Euro 2016

Đầu cơ vàng chỉ có thất bại!

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định như vậy với Báo Người Lao Động khi nói về chính sách điều hành thị trường vàng của nhà nước

“Làm giá” sẽ bị xử ngay

Phóng viên: Đầu năm mới, người dân có truyền thống gom tiền mua vàng, ông nhận định gì về hiện tượng này?

Đầu cơ vàng chỉ có thất bại!

- Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Với phong tục của người Việt Nam, đầu năm, người dân thường mua 1-2 chỉ vàng để lấy hên hoặc tặng người thân vào dịp sinh nhật, thôi nôi… là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, với vị trí thống đốc, tôi khuyên những ai có ý định đầu cơ vàng thì nên chấm dứt ngay do lợi nhuận không lớn mà rủi ro rất cao. Tôi xin khẳng định chống “vàng hóa” là mục tiêu ưu tiên số 1 của Ngân hàng Nhà nước. Trước đây, tiềm lực của thị trường vàng lớn hơn tiềm lực của Ngân hàng Nhà nước nhưng hiện cán cân đã thay đổi - tiềm lực của Ngân hàng Nhà nước lớn hơn gấp bội.

Rủi ro như ông nói là có một giai đoạn thị trường vàng bị “làm giá”?

- Đúng là có giai đoạn các nhóm lợi ích đã “làm giá” khiến thị trường vàng méo mó để trục lợi và đối tượng chịu thiệt nhiều nhất chính là người dân. Do đó, bất cứ ai có ý định liên kết để “làm giá”, trục lợi từ thị trường vàng sẽ không qua được mắt của Ngân hàng Nhà nước và bị xử lý ngay.

Sẽ cho nhập lại vàng nguyên liệu

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu vàng từ nước ngoài về Việt Nam, điều này có phải xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ vàng là rất lớn?

- Trong một số đường dây buôn ma túy bị bắt giữ, các đối tượng có kèm thêm buôn bán, vận chuyển vàng thuê chứ không phải gia tăng hay ồ ạt buôn lậu vàng qua biên giới. Tuy nhiên, nói không có nhập lậu vàng là không đúng bởi đến cái kim, sợi chỉ còn nhập lậu nhưng số lượng không nhiều.

Sở dĩ buôn lậu vàng qua biên giới không hấp dẫn là do xử phạt hành chính trong lĩnh vực vàng và ngoại tệ rất nặng, có thể lên tới 1 tỉ đồng/vụ, đồng thời còn bị tịch thu toàn bộ số vàng nên người đi buôn sẽ mất trắng.

Đặc biệt, khi mang được vàng vào trong nước cũng không dễ tiêu thụ. Trước đây, nhà nước cho phép buôn bán vàng miếng thì vàng trôi nổi được nhập về để dập ra vàng miếng bán cho người dân mới có giá trị. Nay vàng có mang về trót lọt thì chỉ bán cho cơ sở làm đồ trang sức nên lợi nhuận không cao.

Thực ra, vàng trang sức vẫn thu hút người dân không chỉ thuần túy là đồ trang sức mà có ý nghĩa tích trữ, thưa ông?

- Thực tế nhiều năm qua, vàng trang sức là sự biến tướng của vàng nguyên chất, là tài sản tích trữ nên mới có chuyện người dân đeo vòng, kiềng, lắc, nhẫn bằng vàng 4 số 9. Trong khi các nước đồ trang sức rất hiếm có vàng 4 số 9 mà chỉ 12-14 cara, giá trị gia tăng của đồ trang sức chủ yếu là hàm lượng chất xám, sự tinh xảo của người thợ và thương hiệu sản phẩm.

Mặc dù chúng ta chưa mở rộng nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng vàng cho sản xuất đồ trang sức vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Quả thực, thời gian đầu có một số cơ sở kêu ca đầu vào nhưng sau đó không thấy nói thiếu vàng nữa.

Người dân mua vàng nữ trang tại một cửa hàng trong chợ Bà Chiểu, TP HCMẢnh: Tấn Thạnh
Người dân mua vàng nữ trang tại một cửa hàng trong chợ Bà Chiểu, TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

Nhưng vừa qua, nhiều doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất đồ trang sức?

- Việc chưa cho nhập vàng chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài vẫn phải cho nhập vì vàng nguyên liệu trong dân sẽ cạn dần. Tuy nhiên, để có được quyết định cho nhập vàng lại phụ thuộc 2 yếu tố. Vừa qua, chúng ta đã ban hành Thông tư 22, tới đây sẽ là chính sách thuế đối với lĩnh vực vàng trang sức.

Nói một cách dễ hiểu: Một món đồ trang sức trong đó có tỉ lệ vàng nguyên chất tối thiểu, còn giá trị gia tăng chính là hàm lượng chất xám. Ví dụ, một chiếc nhẫn giá trị vàng chỉ 3 triệu đồng nhưng qua chế tác, nó có giá tới 10-15 triệu đồng. Do vậy, nhà nước phải ban hành một biểu thuế đúng với giá trị của vàng trang sức giống như các nước. Bởi thực tế, người mua vàng trang sức là người có điều kiện về kinh tế.

Làm được 2 điều trên thì thị trường vàng trang sức sẽ công khai, minh bạch và khi đó chính sách về nhập khẩu vàng cho chế tác cũng công khai, minh bạch, không bị đánh đồng với vàng nguyên liệu tích trữ.

Dừng huy động vàng là cần thiết

Thưa ông, thiết lập lại thị trường vàng miếng và ngân hàng thương mại dừng việc huy động gửi vàng có phải là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước chống lại “vàng hóa” nền kinh tế?

- Trước đây, việc để thị trường vàng phát triển tự do nếu nói sai cũng không hoàn toàn nhưng nói đúng cũng không phải. Bởi trong kinh tế không có điều gì đúng mãi và điều gì mãi sai mà quan trọng là thời điểm. Suốt thời gian dài, thị trường vàng thế giới rất ổn định nên vàng cũng là tiền và cơ sở tín dụng có thể huy động vàng của dân và trả lãi. Do giá vàng ổn định nên đơn vị tín dụng có thể quy ra tiền đồng và khi cần thì bỏ tiền ra mua để trả cho dân với mức giá ổn định. Nhưng điều này sẽ không đúng khi thị trường vàng biến động, sinh ra chênh lệch giá và gây rủi ro lớn cho cả người gửi và người nhận gửi vàng, gây bất ổn xã hội.

Mặt khác, việc trả lãi cho người gửi vàng đã vô tình khiến vàng là kênh đầu tư hấp dẫn nên người dân đua nhau gom vàng mang đi gửi dẫn đến “vàng hóa” nền kinh tế. Vì vậy, việc dừng huy động vàng là cần thiết.

Chính hàng loạt công cụ quản lý thị trường vàng mà nhà nước đề ra, đặc biệt là chính sách ổn định tiền đồng, đã làm cho “vàng hóa” nền kinh tế giảm mạnh, nhập lậu vàng cũng giảm và nhu cầu về vàng không còn.

Theo ông, từ việc chống “vàng hóa” thì nguồn lực vàng “chôn” trong dân sẽ được khai thác để đưa vào phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh đến mức nào?

- Có thể nói nguồn lực tích trữ vàng trong dân rất lớn nên nếu được khơi thông sẽ có lợi chung cho nền kinh tế. Trước đây, có thời điểm người dân gửi vàng trong các ngân hàng tới 200 tấn và số còn giữ ở nhà chắc cũng tương đương. Nay chẳng có cân vàng nào gửi vào ngân hàng, như vậy là đã chuyển hóa thành dòng tiền đầu tư vào nền kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau.

“Siết” vàng trang sức

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, nhà nước đã thành công khi quản lý được thị trường vàng miếng và nay bắt đầu chuyển sang “siết” mạnh thị trường vàng trang sức để nó thực sự là đồ trang sức chứ không phải giá trị vàng.

Để làm được việc này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức lưu thông trên thị trường. Ở nước ngoài, một chiếc nhẫn trang sức có đầy đủ các thông số, có kẹp chì. Đây mới là đồ trang sức đúng nghĩa mà Việt Nam đang hướng đến, từ đó sẽ cho nhập khẩu vàng trở lại để phục vụ thị trường vàng trang sức mà không lo bị biến thành vàng nguyên liệu.

Không khuyến khích trữ vàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới tới gần 5 triệu đồng/lượng nhưng chẳng ai mặn mà vì bản chất là nhà nước không khuyến khích người dân trữ mặt hàng đặc biệt này. Chính mức giá chênh tới 5 triệu đồng/lượng làm cho người dân lo lắng khi mua vàng.

Còn với giới đầu cơ, khi nhìn thấy giá trong nước và thế giới chênh nhau quá cao trong khi Ngân hàng Nhà nước có thể bán vàng ra bất cứ lúc nào, số lượng có thể tới chục tấn vào một thời điểm thì họ chỉ có lỗ nặng. Sự “uy hiếp” này khiến chẳng nhà đầu cơ nào dám “mon men” đến thị trường vàng.

Người lao động

ngân hàng nhà nước, thị trường vàng, lực lượng chức năng, ngân hàng thương mại, người việt nam, vàng trang sức, kênh đầu tư, kinh doanh vàng, huy động


      © 2021 FAP
        150,572       85