Dù các ngân hàng đã rất nỗ lực nhưng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng và chương trình cho vay phát triển thủy sản của Chính phủ vẫn trong tình trạng giải ngân ì ạch
Những ngày cuối cùng của năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quyết định tiếp tục giữ mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2015 là 5%/năm, bằng mức lãi suất áp dụng trong năm 2014 và thấp hơn 1%/năm so với năm đầu tiên triển khai 2013.
Gói 30.000 tỉ đồng: Nghẽn
Trước đó vào tháng 11-2014, NHNN cũng ban hành Thông tư 32 với nội dung “nới” một số điều kiện, quy định cho vay gói 30.000 tỉ đồng. Đó là tăng thời gian cho vay từ 10 năm lên 15 năm. Bổ sung đối tượng được vay là cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỉ đồng thay vì quy định chỉ được mua nhà ở có diện tích không quá 70 m2, giá bán không quá 15 triệu đồng/m2 như trước đây. Thông tư 32 cũng áp dụng cho cá nhân vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Đồng thời cho phép có thêm các NH thương mại cổ phần (TMCP) do nhà nước chỉ định được tham gia gói hỗ trợ cùng với 5 NH TMCP nhà nước.
Giá trị cam kết cho vay gói 30.000 tỉ đồng được NHNN công bố tính đến tháng 10-2014 mới đạt 7.164 tỉ đồng (chiếm hơn 20%) nhưng thực tế giải ngân còn thấp hơn nhiều. Mặc dù đã nhiều lần “nới” điều kiện cho vay nhưng điểm nghẽn cơ bản của gói hỗ trợ này là việc chứng minh thu nhập thấp và khả năng trả nợ; chứng minh tình trạng chưa có nhà ở của người vay vốn rất khó khăn. Chị Bích Ngân, khách hàng đang tìm hiểu vay vốn mua nhà ở xã hội tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), cho biết đã tìm được dự án nhưng không thể xin xác nhận của cơ quan vì có điều khoản “cơ quan sẽ thông báo kịp thời bằng văn bản cho NH và khấu trừ mọi quyền lợi vật chất của cá nhân đang hưởng theo chế độ của đơn vị để trả nợ NH trong trường hợp cá nhân đó nghỉ việc, bị thương tật, thay đổi vị trí công tác…”. Bên cạnh đó, UBND phường nơi chị Ngân cư trú cũng không chịu xác nhận cho chị là chưa có nhà ở.
Vốn cho vay thủy sản: Ế
Chương trình cho vay phát triển thủy sản cũng đang trong tình trạng ế ẩm dù đã có nhiều NH công bố dành hàng ngàn tỉ đồng để cho vay trong năm đầu thực hiện chương trình như BIDV: 15.000 tỉ đồng, Vietcombank: 1.000 tỉ đồng…
Vụ Tín dụng NHNN thừa nhận chương trình giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, trong 28 tỉnh - thành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn phân bổ vốn vay chỉ có 6 tỉnh phê duyệt danh sách nên tiếp cận vốn của NH với khách hàng phải có thời gian. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 21 mẫu tàu sắt chỉ đáp ứng được 1-2 chức năng trong khi người dân lại có thói quen dùng tàu gỗ đa năng cho nhiều mục đích như lưới vây, quét, câu... Hơn nữa, tàu vỏ sắt có kinh phí đầu tư lớn nên ngư dân cân nhắc tính toán hiệu quả kinh tế vì vốn vay theo Nghị định 67 là vốn vay thương mại, chỉ được hỗ trợ lãi suất bảo hiểm. Mặt khác, tâm lý ngư dân vẫn thích dùng máy cũ, chỉ bằng 70% kinh phí mua máy mới…
Theo TS Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân 2 chương trình tín dụng ưu tiên nói trên cần có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các bộ ngành, địa phương và có sự chỉ huy ở tầm Chính phủ.
Nặng về hành chính
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng nguyên nhân khiến các gói tín dụng ưu đãi chậm giải ngân là do tính chất cho vay hành chính, không phải theo tín hiệu thị trường. Ở các gói này, rủi ro rất cao vì cho vay lãi suất thấp, thu hồi vốn và mất vốn cũng cao nên tín dụng khó “chạy”.