Quy định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ sẽ tác động thế nào đến bức tranh kinh tế?
Một trong những thay đổi lớn trong Luật Doanh nghiệp 2014 (sửa đổi ) là quy định doanh nghiệp nhà nước phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trước đây chỉ cần Nhà nước nắm cổ phần hơn 50% thì mặc định doanh nghiệp này được xếp vào doanh nghiệp nhà nước. Vậy thay đổi về quy định loại hình doanh nghiệp lần này sẽ có tác động như thế nào đối với nền kinh tế?
Sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines sẽ không còn được gọi là doanh nghiệp nhà nước theo quy định mới.
Có những đánh giá tích cực về điều luật mới này. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trước đây doanh nghiệp nếu có trên 50% phần vốn do Nhà nước nắm thì được xếp vào doanh nghiệp nhà nước và bị áp đặt cơ chế giống như doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, đặc biệt sẽ phải gánh thêm các áp lực về thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội. Giờ đây gánh nặng này có thể sẽ không còn.
Như vậy, với điều luật này, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không còn cái mác “doanh nghiệp nhà nước” khi chỉ cần tỉ lệ sở hữu của Nhà nước trong doanh nghiệp đó nhỏ hơn mức tuyệt đối 100%. Một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines sẽ không được gọi là doanh nghiệp nhà nước nữa, dù dự kiến sau khi hoàn thành quá trình cổ phần hóa, cổ đông Nhà nước sẽ tiếp tục sở hữu đến 75% vốn của doanh nghiệp này.
Hay các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank sẽ không còn được xếp vào nhóm các ngân hàng quốc doanh nữa. Tương tự, đó là một loạt các doanh nghiệp khác dù Nhà nước vẫn chiếm tỉ lệ sở hữu chi phối, tức sẽ tiếp tục quyết định chiến lược hoạt động của doanh nghiệp.
Cách đây không lâu, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14 về phân loại hệ thống các doanh nghiệp nhà nước cùng với tỉ lệ sở hữu tối đa, gồm có 4 nhóm. Trong đó nhóm Nhà nước nắm giữ toàn bộ 100% vốn chỉ bao gồm 16 lĩnh vực đặc biệt như sản xuất và cung ứng hóa chất độc hại, chất nổ, truyền tải điện, sổ xố… Còn 3 nhóm còn lại, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ phải ít hơn 100% và theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014, các đơn vị trong 3 nhóm này sẽ trở thành doanh nghiệp bình thường.
Hiện tại, số doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn vào khoảng 700. Nếu hoàn thành đề án tái cấu trúc, bán một phần vốn cho nhà đầu tư bên ngoài vào cuối năm 2015, số lượng doanh nghiệp nhà nước được thống kê chỉ còn chưa tới 300.
Nhưng liệu việc không còn cái mác “doanh nghiệp nhà nước” nữa có buộc các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn là cổ đông chính sẽ phải cạnh tranh bình đẳng hơn với những doanh nghiệp khác. Và liệu nhóm doanh nghiệp này sẽ không còn tiếp cận các quyền lợi ưu đãi như trước đây?
Hãy lấy ví dụ của Vietnam Airlines. Chắc chắn sau khi hoàn thành cổ phần hóa, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục nhận được các ưu đãi của Chính phủ vì vị thế quá quan trọng của nó đối với quốc gia. Cũng chính vì thế khi giải thích trước báo giới lý do Nhà nước vẫn chiếm tới 75% vốn sau khi cổ phần hóa, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng đó là vì Vietnam Airlines có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bay cũng như đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh. Đây là một tổng công ty lớn mang hình ảnh, mang thương hiệu quốc gia đến bạn bè quốc tế. Lời giải thích này đồng nghĩa với việc Vietnam Airlines có thể sẽ tiếp tục nhận được các ưu đãi như trước đây?
Thêm vào đó, việc giảm đi đáng kể danh sách doanh nghiệp nhà nước dù sẽ làm cho một số thông kê vĩ mô trở nên đẹp hơn, nhưng có thể làm sai lệch bức tranh thực tế của nền kinh tế. Bởi lẽ, những thống kê trước đây về tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước như nắm giữ 70% đất đai, 70% vốn viện trợ phát triển chính thức, 60% tín dụng của nền kinh tế hay gây ra 70% tổng nợ xấu của toàn hệ thống tài chính chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Trong quá đình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nội dung được đàm phán phức tạp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, Mỹ muốn các quốc gia có tỉ trọng khối doanh nghiệp nhà nước lớn như Việt Nam, Malaysia phải có những điều khoản mới nhằm hạn chế các khoản trợ cấp hay các phương pháp bảo vệ cho khu vực doanh nghiệp này. Liệu việc thay đổi quy định về loại hình doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp Việt Nam vượt qua được rào cản trên bàn đàm phán với Mỹ?
Suy cho cùng, sau khi điều luật mới có hiệu lực, một loạt các doanh nghiệp có thể sẽ tự do hơn trong hoạt động vì cái mác “doanh nghiệp nhà nước” sẽ không còn. Tuy vậy, khi vẫn còn nhiều bất hợp lý trong việc giám sát tập trung các khoản đầu tư nhà nước cùng với cơ chế quản lý tài sản của Nhà nước vẫn chưa bàn thảo xong, việc tháo gông cho một loạt doanh nghiệp như thế có thể là điều cần phải cân nhắc!
nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty, vốn nhà nước, Luật doanh nghiệp, tỉ lệ sở hữu, nhiệm vụ chính trị