Do biến động của đồng rúp (rub), xung đột chính trị tại Nga và Ukraine, lượng khách Nga đến Mũi Né (Phan Thiết) sụt giảm nghiêm trọng.
Theo ông Trần Việt Hà, Giám đốc điều hành Cham Village (TP.Phan Thiết, Bình Thuận), thời điểm này đang là mùa cao điểm khách Nga sang nghỉ đông. Tuy nhiên, lượng khách Nga đặt phòng năm nay ít hơn rất nhiều so với năm trước.
Sẽ "vắng bóng"
Chị Nguyễn Thị Hiền, hướng dẫn viên (HDV) tiếng Nga làm cho một hãng lữ hành Nga nổi tiếng ở Mũi Né phân tích, do ảnh hưởng từ tình hình chính trị và kinh tế của Nga, đặc biệt là sự mất giá của đồng rúp nên nhiều công ty lữ hành từ Nga đã thông báo ngưng các hợp đồng.
Tại Nha Trang, ông Lê Dũng Lâm, Giám đốc Công ty CP du lịch Long Phú, cho biết 85% khách nước ngoài đến tham quan đảo Khỉ, suối Hoa Lan những năm gần đây là khách Nga. Vào thời điểm này năm ngoái, công ty đón bình quân 350 khách/ngày.
Dự kiến năm 2014 là 500 khách/ngày nhưng thực tế hiện chỉ đạt khoảng 250 khách/ngày. Không chỉ lượng khách giảm, mức chi tiêu của khách cũng rất tiết kiệm.
Nguyễn Chung
“Thực ra là các hãng lữ hành từ Nga cũng bị bể hợp đồng vì khách không đi du lịch tránh đông như mọi năm. Chưa bao giờ đồng rúp xuống giá mạnh như bây giờ, trong khi khách Nga phải mua tour bằng USD. Giờ này năm ngoái là 32 rúp ăn 1 USD trong khi hiện nay có lúc phải 54 rúp mới đổi được 1 USD” - chị Hiền phân tích.
Ông Nguyễn Anh Lê, một chủ resort ở Mũi Né, cho biết thêm: “Đối với những khách Nga hiện đã lỡ đặt tour thì họ chỉ đến nghỉ, nhưng rút ngắn thời gian và không chi tiêu gì, cũng không đặt các tour đi tham quan Đà Lạt, Nha Trang như trước”. Còn theo chị Nguyễn Thị Hiền, tháng 1-2015 còn lác đác khách Nga vì họ lỡ mua phòng. Từ tháng 2-2015 trở đi sẽ "vắng bóng".
Anh Andrey, một HDV người Nga đang làm việc tại Mũi Né cho biết thêm, thời điểm này không chỉ Mũi Né mà các điểm du lịch khác như Nha Trang hay Phú Quốc đều giảm khách Nga. Chỉ có những người khá giả mới đi du lịch lúc này.
Còn đối tượng hưởng lương nhà nước, nghỉ hưu hầu như chi tiêu thắt lưng buộc bụng, nên họ sẽ không đi du lịch. Anh Andrey còn tiết lộ, hiện nay “công ty mẹ” của anh và nhiều công ty lữ hành khác bên Nga đã có dấu hiệu phá sản vì những biến động về kinh tế, chính trị vừa qua ở nước này.
Hậu quả của cách làm du lịch thiếu bền vững
Tháng 3-2013, Thanh Niên từng cảnh báo thị trường khách du lịch quốc tế tại Mũi Né đang bị méo mó bởi việc xúc tiến của các doanh nghiệp (DN) tại Bình Thuận quá thiên về khách Nga mà “bỏ lơ” các dòng khách truyền thống Tây Âu và Bắc Mỹ.
Đến hôm nay, ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, nhìn nhận: “Đây là hậu quả của một thời gian dài chúng ta quá lệ thuộc vào dòng khách Nga mà không lường hết những rủi ro bởi các yếu tố khách quan”.
Theo ông Bình, trong một thời gian dài, không chỉ các DN ở Mũi Né, mà kể cả các DN ở Nha Trang, Đà Nẵng đã để cho một số hãng lữ hành của Nga thao túng, ép giá, làm méo mó thị trường tiềm năng. Trong khi đó, các DN không có cách nào níu kéo khách ở các thị trường truyền thống trước đây.
“Đây là hồi chuông cảnh báo cho việc phát triển quá nóng, phụ thuộc vào một thị trường mà không tính đến yếu tố bền vững và rủi ro” - ông Bình nói.
khách du lịch, Công ty lữ hành, khách nước ngoài, thị trường tiềm năng, khách du lịch quốc tế, tham quan đảo, du khách Nga, Người Nga, Mũi Né, khách N