Euro 2016

Doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần

Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy Việt Nam đang thiếu vắng các doanh nghiệp (DN) có quy mô vừa. Đây là nguyên nhân khiến DN Việt Nam khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

96% doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ

VCCI cho biết đầu năm 2014, cả nước có 764.374 DN đăng ký thành lập theo Luật DN, trong đó có 391.547 DN đang hoạt động. Trong 10 tháng của năm có thêm 60.023 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 352.000 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng DN thành lập mới giảm 6,5% nhưng số vốn tăng 9,5%. Trong số các DN đang hoạt động, tỉ lệ DN ngoài nhà nước chiếm 96%. Các DN có quy mô lớn chỉ chiếm 2%, số DN có quy mô vừa cũng ở mức tương tự, còn lại 96% là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (theo tiêu chí có dưới 10 lao động) chiếm tới 67%. Do quy mô nhỏ nên có rất nhiều DN Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy

Đáng lưu ý là xu hướng thiếu các DN có quy mô vừa vẫn tiếp tục gia tăng, xét theo cả tiêu chí lao động và vốn. Trong giai đoạn 2007-2012, lao động bình quân trong DN đã giảm từ 47 xuống còn 32 người, chỉ tương ứng với DN quy mô nhỏ. Cũng vào thời điểm năm 2012, lần đầu tiên quy mô vốn bình quân của DN giảm trong vòng 10 năm trở lại đây. Quy mô vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm 26% (từ mức 1.584 tỉ đồng xuống còn 1.171 tỉ đồng), vốn tại DN ngoài nhà nước cũng giảm 3,6%, chỉ còn 25 tỉ đồng/DN. Trong khi đó, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại tăng quy mô vốn bình quân từ 207 tỉ đồng lên 307 tỉ đồng. Điều này cho thấy khu vực FDI không bị ảnh hưởng nhiều từ bối cảnh chung của kinh tế Việt Nam.

Khuyến khích phát triển khu vực tư nhân

Theo khuyến nghị của các nhà tài trợ tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 vừa diễn ra tại Hà Nội, các nhà tài trợ cho Việt Nam khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân vì kinh nghiệm cho thấy không quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực DNNN, muốn vậy, cần đẩy mạnh tiến độ cải cách DNNN.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2015, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung cải cách DNNN. Theo quan điểm mới, một DN chỉ được coi là DNNN khi nhà nước nắm 100% vốn thay vì trên 50% như hiện nay. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải xem xét lại quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN, không chỉ đánh giá bằng số lượng DN cổ phần hóa (CPH) mà quan trọng phải là chất lượng CPH. “Nếu tỉ trọng tham gia của tư nhân chỉ chiếm 3%-10% vốn chủ sở hữu của CPH thì không thay đổi được quản trị. Phải đạt mức cao hơn, bán khoảng 70% hoặc 100% vốn sở hữu tại các DNNN” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói. Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kế hoạch CPH 432 DNNN trong 2 năm 2014-2015 và cam kết sẽ giảm mạnh tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước trong các DN thực hiện CPH.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước đã CPH được 100 DNNN, 153 DN khác đã có quyết định công bố giá trị. Dự kiến cả năm 2014 sẽ có khoảng 200 DN được CPH. Như vậy, tốc độ CPH DNNN đã tăng nhanh, gần gấp 3 lần so với năm 2013 (chỉ có 74 DNNN được CPH). Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 108/108 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tốc độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng được đẩy nhanh hơn, 9 tháng đầu năm đạt 3.500 tỉ đồng, gấp 3,6 lần so với năm 2013.

Người lao động

      © 2021 FAP
        150,624       695