Euro 2016

Quyết chặt vòi sở hữu chéo

Không tập trung vốn cho một hoặc nhóm khách hàng, giảm tỉ lệ cho vay cổ phiếu, hạn chế vốn góp cổ phần... cho thấy quyết tâm ngăn chặn sở hữu chéo của Ngân hàng Nhà nước

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1-2-2015, ngân hàng (NH) thương mại chỉ được phép cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ, mua và nắm giữ không quá 5% cổ phần của NH khác; đồng thời, thông tư này cũng định hướng NH không tập trung cho vay theo nhóm khách hàng...

Kiểm soát tín dụng “sân sau”

Lãnh đạo nhiều NH cho biết hiện nay, NH chỉ được cho vay một khách hàng tối đa 15% vốn tự có, khách hàng và người liên quan (nhóm khách hàng) không quá 25% vốn tự có nhưng hàng ngàn tỉ đồng của các khoản bảo lãnh, trái phiếu doanh nghiệp (DN), ủy thác đầu tư... không bị đưa vào hạng mục cho vay. Nếu tính luôn các khoản này sẽ có không ít NH đã cho vay một khách hàng lên tới 50% vốn tự có. Trong khi đó, phần lớn các đối tượng này là DN “sân sau” của NH và thường biến tướng tiền vay thành vốn góp cổ phần hoặc dùng số tiền này mua cổ phiếu nhằm thâu tóm NH.

Thông tư 36 được kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH
Thông tư 36 được kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy không thay đổi tỉ lệ cấp tín dụng cho một khách hàng không quá 15% vốn tự có, nhóm khách hàng tối đa 25% vốn tự có nhưng điểm khác biệt của Thông tư 36 là các khoản bảo lãnh, ủy thác đầu tư, trái phiếu của DN… đều đưa vào hạng mục cấp tín dụng. Đặc biệt, Thông tư 36 còn đưa thêm đối tượng vào nhóm khách hàng. Như thế, số tiền mà NH cho vay sẽ được phân tán, không tập trung vào số ít khách hàng, thường dẫn đến việc sử dụng vốn sai mục đích.

NH Nhà nước cho biết Thông tư 36 quy định NH thương mại công khai thông tin việc cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần... đối với khách hàng, nhóm khách hàng để kiểm soát dòng tiền, hạn chế việc tập trung vốn, sở hữu chéo, thao túng hoạt động NH.

Thực tế cho thấy năm 2013, Thanh tra NH Nhà nước từng kết luận một NH lớn ở TP HCM cho một số DN liên quan đến thành viên hội đồng quản trị vay tiền vượt 25% vốn tự có và buộc NH này phải tức tốc giảm tỉ lệ cho vay nhóm khách hàng về đúng quy định.

Trong khi đó, một NH khác công bố tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 4.500 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận. Nguyên nhân chính là vì NH này cho DN vay hàng trăm tỉ đồng, ngay khi NH giải ngân, DN lại chuyển toàn bộ số tiền vay cho một cá nhân, vốn là một cổ đông mới của NH khiến NH Nhà nước nghi ngờ số tiền cho vay biến thành vốn góp cổ phần.

Siết cho vay mua cổ phiếu

Liên quan đến cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu, quy định hiện nay cho phép NH được cho vay với hạn mức 20% vốn điều lệ để kinh doanh chứng khoán bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu... Thế nhưng, nhiều NH chủ yếu cho vay để kinh doanh cổ phiếu. Từng có chuyện một số đại gia dùng cổ phiếu làm tài sản thế chấp để vay hàng trăm tỉ đồng rồi mua cổ phiếu NH, tăng thêm tỉ lệ sở hữu nhằm nắm quyền kiểm soát.

Thực tế là đến thời điểm này, không ít NH có tỉ lệ cho vay kinh doanh cổ phiếu gần chạm trần 20% vốn điều lệ và nhiều NH đang sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại các NH khác. Đơn cử, NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nắm giữ gần 10% vốn điều lệ NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu hơn 8% vốn điều lệ Eximbank...

Để triệt tiêu tình trạng này, Thông tư 36 khống chế NH thương mại cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ. Đồng thời, NH chỉ được mua và nắm giữ cổ phần tại 2 NH khác, tỉ lệ nắm giữ mỗi NH không quá 5% vốn điều lệ.

Thông tư 36 cũng quy định trong vòng 12 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực, các NH phải giảm tỉ lệ cho vay cổ phiếu, tỉ lệ góp vốn tại NH khác về đúng quy định. Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường ĐH Mở TP HCM, với lộ trình này, người đã vay tiền mua cổ phiếu phải tất toán, nếu không NH sẽ bán ra cổ phiếu mà bên vay đã thế chấp để thu hồi nợ nhằm giảm tỉ lệ cho vay. Một số NH cũng phải thoái vốn tại NH khác bằng cách bán dần số cổ phiếu ra thị trường. Điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán vì cổ phiếu NH thường có số lượng rất lớn.

“Các NH có tỉ lệ cho vay kinh doanh cổ phiếu cao thường có các đại gia đứng sau. Các đại gia này thế chấp cổ phiếu NH để vay tiền mua thêm cổ phiếu nhằm làm chủ NH. Những ông chủ này có thể giảm tỉ lệ cho vay theo hướng chuyển nhượng cổ phiếu cho cá nhân, tổ chức “ruột thịt” bằng tiền tươi thóc thật nhưng chỉ chiếm một phần giá trị giao dịch. Vì thế, các quy định của Thông tư 36 về cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu sẽ quyết một phần tỉ lệ cổ phần sở hữu chéo NH” - TS Thuận phân tích.

Cổ phiếu “vua” ảm đạm

Sau khi NH Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN (ngày 20-11) đến nay, giá một số cổ phiếu “vua” (cổ phiếu NH) có dấu hiệu đi xuống. Cổ phiếu Sacombank (STB) giảm 800 đồng còn 18.600 đồng; cổ phiếu VietinBank (CTG) chỉ loay hoay ở mức 14.000 đồng; cổ phiếu Eximbank (EIB) ảm đạm quanh mức 11.000 đồng, thậm chí còn giảm sàn trong ngày 9-12. Trong khi đó, cổ phiếu NH TMCP Quốc dân (NVB) cũng biến động hẹp quanh mức từ 6.500 - 7.000 đồng và rất ít được giới đầu tư chú ý.

Người lao động

thị trường chứng khoán, vốn điều lệ, tài sản thế chấp, Sài Gòn Thương Tín, tỉ lệ sở hữu, thu hồi nợ, mua cổ phần, sở hữu chéo, cấp tín dụng, Ngoại Thư


      © 2021 FAP
        150,640       845