(NLĐO) – Chính phủ Pháp đã bán 49,99% cổ phần sân bay Toulouse-Blagnac ở miền Tây Nam nước Pháp cho một tập đoàn Trung Quốc, thông tin từ Bộ Kinh tế Pháp hôm 6-12.
Đây cũng là thương vụ đầu tiên sau trong một chuỗi thương vụ mà Chính phủ Pháp sẽ thực hiện sau khi Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Marcon tuyên bố hồi tháng 10 rằng, Chính phủ Pháp đã đặt mục tiêu bán các tài sản nhà nước có trị giá lên đến 10 tỉ Euro (12,4 tỉ USD).
Theo Bộ Kinh tế Pháp, tập đoàn Sympiose của Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đấu giá và giành quyền mua 49,99% cổ phần của sân bay quốc tế Toulouse-Blagnac với giá 308 triệu Euro (381 triệu USD). Tập đoàn này bao gồm 2 công ty con là Sơn Đông Hi-Speed và Friedmann Pacific Asset Management.
Một chiếc Airbus A380 được bán cho Trung Quốc đang cất cánh từ sân bay Toulouse-Blagnac hồi tháng 10-2014. Nguồn: Reuters
Cổ phần sân bay Toulouse-Blagnac đã được chào bán từ tháng 7 và thu hút rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tham gia đấu giá, trong đó có tập đoàn Macquarie của Úc, Ferrovial của Tây Ban Nha, tập đoàn Vinci của Pháp, tập đoàn bảo hiểm Predica,…
Chính phủ Pháp sở hữu 60% cổ phần sân bay trước khi thực hiện thương vụ này và họ vẫn có thể tiếp tục bán nốt 10,01% cổ phần còn lại, tuy nhiên Bộ Kinh tế Pháp cho biết hiện tại Chính phủ chưa có ý định đó.
Sân bay Toulouse-Blagnac nằm ở phía nam Blagnac, phía tây bắc Toulouse và là sân bay lớn nhất miền Tây Nam nước Pháp và đã vận chuyển 7,5 triệu hành khách trong năm 2013 với tổng doanh thu 117,4 triệu Euro và lợi nhuận ròng đoạt 10,6 triệu USD.
Nhiều người phản đối quyết định bán cổ phần của chính phủ Pháp. Quyết định bán một phần sân bay Toulouse cho Trung Quốc cũng làm dấy lên những lo ngại về “gián điệp kinh tế” tại Pháp.
Tây Ban Nha, Sân bay quốc tế, tài sản nhà nước, công ty Trung Quốc, sân bay Toulouse