Niên vụ 2013-2014, sản xuất và xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 1,74 triệu tấn và 1,56 triệu tấn. Trong nửa mùa vụ giá xuất khẩu giảm 8% so với cùng kỳ năm trước nhưng đang có xu hướng tăng mạnh trở lại. Tiêu thụ nội địa tiếp tục tăng. Đó là thông tin tại “Diễn đàn triển vọng và đối thoại cà phê”, được tổ chức ngày 1-12 tại TP HCM.
Ông Mauricio Galindo, Trưởng đại diện tổ chức cà phê quốc tế, cho biết niên vụ cà phê 2013 - 2014 trên thế giới vẫn ổn định ở mức 145,2 triệu bao. Ước tính niên vụ mới sẽ giảm khoảng 8%. Những thách thức đối với ngành cà phê là biến đổi khí hậu, biến động về giá; cần phải có những ứng phó kịp thời. Để cho ngành cà phê bền vững cần phải lấy nông dân làm trung tâm, phải có chính sách cam kết với họ để phát triển bền vững.
Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết niên vụ 213 - 2014 có thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định nên diện tích cà phê giữ được 203.500 ha, sản lượng 450.000 tấn. Đã có sự liên kết sản xuất bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mùa vụ này diện tích cà phê vẫn bị giảm đến 721 ha, nên sản lượng cũng giảm theo khoảng hơn 10%. Nguyên nhân là do hồi đầu mùa do hạn hán có gần 5.000 ha bị ảnh hưởng, đến giữa năm bị tiểu hạn. Về vấn đề tái canh cũng gặp khó khăn do cần nguồn vốn quá lớn để thực hiện tái canh 27.775 ha.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, công tác kiểm soát giống chưa được quan tâm thực hiện cho từng vùng. Dịch hại trên cà phê phức tạp. Một số mô hình tái canh chưa thành công, chưa đánh giá được nguyên nhân. Chưa xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả về cây trồng xen, cây trồng luân canh cho từng vùng phù hợp. Quy trình canh tác, chăm sóc cà phê ghép cải tạo chưa phù hợp dẫn đến không bền vững. Chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng cần cải tiến ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam. Tăng cường năng lực đại diện của các thành viên, hoàn chỉnh quy trình họp và ra quyết định, hoàn chỉnh quy chế tài chính. Các bộ, ngành tăng cường công tác tham vấn cho ban này. Tăng cường năng lực và tổ chức hội nông dân cà phê. Các địa phương có thế mạnh về cây cà phê cần phối hợp với ban điều phối cà phê để huy động nguồn lực, tăng cường năng lực hoạt động cho các hội nông dân. Ngoài ra, cần phải huy động kinh phí từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án, thành viên.
Còn theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc phát triển cây cà phê đang đi đúng hướng như đề án và kế hoạch hành động tái canh cà phê. Thành lập ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam, diện tích tăng nhanh vượt quy hoạch. Giá cà phê tăng, khác với quy luật vào vụ mới giá thường giảm nhưng vụ 2014 - 2015 cho thấy giá trong nước và thế giới đều tăng. Sản xuất cà phê trong nước có chứng nhận ngày càng tăng. Chênh lệch giá xuất khẩu của Việt Nam và thế giới đã được thu hẹp.