Euro 2016

Một khởi đầu đầy hứa hẹn

Tuần qua, một phái đoàn kinh tế bao gồm gần 100 tổ chức và doanh nghiệp Ý, do ngài Benedetto Della Vedova, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý, dẫn đầu đã đến Việt Nam, tham dự vào các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư

Diễn ra từ ngày 24 đến 26-11, đoàn có các hoạt động bao gồm những cuộc thảo luận chính thức, các cuộc gặp song phương cấp chính phủ;  thảo luận về cơ hội hợp tác đầu tư đầy tiềm năng ở 110 khu công nghiệp trên toàn Việt Nam. Thứ trưởng Della Vedova cho biết các doanh nghiệp Ý hiện quan tâm đến việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cụ thể là kỹ thuật cơ khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, sản xuất phụ kiện và hàng dệt may.

Tiềm năng hợp tác mạnh mẽ

“ Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển kinh doanh trong lĩnh vực tự động hóa, công nghệ thông tin, dịch vụ, du lịch và thời trang. Với các doanh nghiệp Ý, Việt Nam là cửa ngõ hoàn hảo để tiếp cận thị trường ASEAN. Các công ty Ý cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam và xem nơi đây như một thị trường mới nổi trong khu vực với nhiều tiềm năng đầy hứa hẹn cho đầu tư và phát triển kinh doanh” - ông Della Vedova nhấn mạnh.

Piaggio là một điển hình trong số 60 công ty Ý đã đầu tư vào Việt Nam Ảnh: Internet
Piaggio là một điển hình trong số 60 công ty Ý đã đầu tư vào Việt Nam Ảnh: Internet

Ý hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 18 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 15 của Việt Nam với tăng trưởng đạt 19% mỗi năm trong giai đoạn 2005-2011. Ý cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch thương mại hai chiều vào khoảng 3 tỉ euro trong năm 2013. Con số này được kỳ vọng đạt 3,5 tỉ euro trong năm nay và được dự báo sẽ đạt 5 tỉ euro vào năm 2016. Những số liệu này chứng tỏ tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế mạnh mẽ của hai nước.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ý chủ yếu là hàng may mặc, giày dép, thủy sản, cà phê, điện thoại di động, phụ tùng,... Hàng hóa nhập khẩu từ Ý chủ yếu là máy móc công nghiệp và phụ tùng, nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu, dược phẩm,…

Ý cũng xếp thứ 9 trong số các nước châu Âu và xếp thứ 31 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam với 22 dự án, tổng vốn đầu tư lên đến 55,9 triệu USD. Hiện đang có khoảng 60 công ty Ý đầu tư tại Việt Nam như Piaggio, Ariston Thermo, Datalogic, Perfetti Van Melle, Bonfiglioli, Hưng Yên K & D, ENI, Assicurazioni Generali...

Chuyển giao công nghệ cao

Là nhà cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) hàng đầu của Việt Nam, Ý đã nâng mức đầu tư viện trợ lên đến 30 triệu euro và đầu tư thêm 10 triệu euro vào các dự án cung cấp nước thông qua bản thỏa thuận chính phủ giữa hai quốc gia. Chính phủ Ý cũng sẽ chuyển nguồn vốn đầu tư ODA cho Việt Nam từ khu vực công sang khu vực tư trong các năm kế tiếp. Với kế hoạch đó, Ý sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong tương lai với số vốn lên đến 25 triệu euro.

Thứ trưởng Della Vedova nhấn mạnh về tầm quan trọng của kế hoạch này cho cả Việt Nam và Ý. “Chúng tôi sẽ chuyển từ việc cung cấp hỗ trợ tài chính sang hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Việt Nam đang có nhu cầu cao trong việc nâng cao năng suất lao động và kỹ năng của mình. Chúng tôi muốn thiết lập nhiều công ty liên doanh Ý - Việt để các doanh nghiệp Ý có thể chuyển giao công nghệ cao cho các đối tác Việt Nam. Các doanh nghiệp Ý trong cùng ngành sẽ đồng hợp tác với các công ty Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai chính phủ sẽ hỗ trợ mô hình này, hiện nay có rất nhiều sinh viên Việt Nam cũng đang nghiên cứu về công nghệ cao ở Ý” - ông nói.

Ý liệt kê Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực máy móc tự động, công nghệ thông tin, dịch vụ, du lịch và thời trang.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,699       603