Dù không phải là “cây đũa thần” nhưng việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho thị trường bất động sản
Quốc hội đã bấm nút thông qua dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Điểm nổi bật của luật là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) cho các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là giải pháp nhằm thu hút nguồn lực, hỗ trợ cho thị trường BĐS nhưng cần có kiểm soát kỹ thuật để ổn định thị trường cũng như chính trị, xã hội.
Cơ hội mới
Theo qui định trong luật thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Còn cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh BĐS... thì được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, nhận xét chính sách này xem như đã mở cửa tối đa cho người nước ngoài. Theo ông Châu, hiện nay tại TP HCM có khoảng 80.000 người Hàn Quốc (có thể mua nhà cao cấp và trung cấp); 10.000 người Nhật (nhà cao cấp); 1.200 người Đức (nhà cao cấp); 6.000 người Philippines (nhà trung cấp)…
Đây là những khách hàng tiềm năng cho thị trường BĐS trong thời gian tới. Về dài hạn, điều này tạo ra động lực cho phát triển kinh tế bởi chính những người nước ngoài sẽ tuyên truyền, vận động góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, thị trường BĐS thứ cấp cũng sẽ sôi động.
Ông Park Yong Kyu, một người Hàn Quốc đã sống và làm việc tại Việt Nam gần 20 năm, cho biết việc cho phép người nước ngoài mua nhà là thông tin vui cho những người như ông. Ông Park cho hay ông đã có vợ con và cũng đã mua nhà ở nhưng lâu nay phải nhờ người khác đứng tên. Nay sẽ được đứng tên, ông rất yên tâm.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, nhận xét: Chắn chắn thị trường BĐS sẽ tích cực hơn bởi lâu nay phân khúc nhà ở, căn hộ cao cấp chưa thật sự khởi sắc.
Mở nhưng không buông
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng chính sách đã có nhưng đây không phải là “cây đũa thần” tác động ngay lên thị trường mà cần có thời gian vì thực tế luật có hiệu lực từ 1-7-2015 nhưng còn phải chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Có ý kiến quan ngại khi cho người nước ngoài mua nhà, họ sẽ chiếm hữu, thậm chí thao túng thị trường… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng với các qui định trong luật thì không đáng lo.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Chí Hiếu nói ông chưa thấy một quốc gia nào trên thế giới xảy ra tiền lệ này. Trong khi đó, BĐS ở Việt Nam không rẻ hơn các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan. Chưa kể, quy định của Việt Nam sở hữu nhà ở hiện nay chỉ là quyền sử dụng chứ không có quyền tuyệt đối về sở hữu như ở Mỹ nên tính hấp dẫn chưa tuyệt đối.
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng quy định của Việt Nam chỉ cho người nước ngoài được sở hữu nhà trong thời hạn 50 năm, trong khi ở các quốc gia khác thì lâu hơn, có nước đến 99 năm… Hơn nữa, nội dung trong Luật Nhà ở cũng đã quy định chỉ cho phép người nước ngoài mua và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa chung cư.
Nếu là nhà ở riêng lẻ gồm biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một đơn vị hành chính tương đương phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn. Điều này đã tạo ra cơ chế kiểm soát sở hữu của người nước ngoài...
Tuy vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, khả năng thị trường BĐS ở một số khu vực như quận 2, quận 7… sẽ tăng cầu trong thời gian tới. Ngoài ra, nếu cho người nước ngoài mua nhà ở các phân khúc mà không khống chế nhà giá cao cấp hay bình dân thì dễ tạo nên yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người thu nhập thấp ở Việt Nam mua nhà.
Ông Hong Sun, Tổng thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam:
Sẽ kích thích nhà đầu tư
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một tín hiệu tốt cho những nhà đầu tư, tổ chức và DN nước ngoài. Ở Hàn Quốc, Nhật, Mỹ… đều cho người nước ngoài mua BĐS tự do vì không ảnh hưởng đến người bản địa và vấn đề an ninh bởi BĐS không thể di chuyển như những tài sản khác. Có điều, giá nhà đất ở Việt Nam hiện không còn hấp dẫn, thậm chí cao hơn cả một số khu vực ở Mỹ nên chưa hẳn hấp dẫn nhà đầu tư. Nếu giá nhà đất giảm và thủ tục đơn giản sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
bất động sản, người nước ngoài mua nhà, cây đũa thần, nước ngoài, người nước ngoài, sở hữu nhà, kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh nhà, Lê Hoàng