Euro 2016

Thương hiệu Việt có nguy cơ giảm sút giá trị

(NLĐO)- Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo chuyên đề “Đánh giá giá trị thương hiệu” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 26-11.

Theo ông Richard Moore, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc sáng tạo của Richard Moore Associates (RMA), hiện nay thương hiệu đang đối mặt với nguy cơ giảm sút giá trị trong tâm trí khách hàng do các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa có phương pháp tổng thể để đo lường, đánh giá hiệu quả của hoạt động thương hiệu nhằm nâng cao giá trị thương hiệu.

Ông Lê Quốc Vinh chia sẻ tại hội thảo
Ông Lê Quốc Vinh chia sẻ tại hội thảo

Trong khi đó, người tiêu dùng đang phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin khác nhau về thương hiệu. Thêm vào đó, nhu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ kéo theo ngày càng nhiều thương vụ mua bán sáp nhập được đưa lên bàn đàm phán.

Nhiều thương hiệu được định giá lên đến hàng chục triệu USD nhưng trên thực tế lại chưa có một thang điểm chính thức nào để đo lường giá trị vô hình của thương hiệu bên cạnh các giá trị về tài chính như doanh thu, tài sản công ty... Thực tế này khiến cho cả bên mua và bên bán đều cảm thấy lúng túng trong việc định giá chính xác giá trị thương hiệu của mình.

Chia sẻ thêm về chương trình “Đánh giá giá trị thương hiệu” được Richard Moore Associates ấp ủ nghiên cứu hơn một năm qua, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược Thương hiệu, cũng nhấn mạnh rằng đối với các thương hiệu mạnh, giá trị thương hiệu có thể chiếm trung bình từ 40 – 60% giá trị doanh nghiệp.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch – Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, cho rằng khi lựa chọn một nhãn hiệu, khách hàng đặt vào đó niềm tin của cá nhân và giá trị của bản thân. Do đó, nếu doanh nghiệp biết cách thường xuyên cải thiện và tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu sẽ giúp người tiêu dùng có một cách nhìn khác hơn nữa về những sản phẩm dịch vụ của mình.

Người lao động

thương hiệu Việt, VCCI, doanh nghiệp Việt Nam, Lê Quốc Vinh, đánh giá thương hiệu, thương hiệu, Richard Moore


      © 2021 FAP
        150,700       929