Euro 2016

Nguy cơ bán tháo vốn đầu tư nhà nước

Trong 10 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 2.415 tỉ đồng, bằng 10,7% tổng số vốn cần thoái

Hạn chót cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành là hết năm 2015, trong khi số lượng vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ còn rất lớn.

DN lớn phải rút 20 ngàn tỉ đồng

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối tháng 10, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn còn hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành chưa thoái hết vốn. Số tiền này được đầu tư vào 5 lĩnh vực gồm: tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản (BĐS) và quỹ đầu tư. Trong đó, lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất là tài chính ngân hàng lên đến gần 15.000 tỉ đồng, bảo hiểm hơn 1.500 tỉ đồng, quỹ đầu tư hơn 500 tỉ đồng và BĐS hơn 5.000 tỉ đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành được khoảng 2.415 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với mức thực hiện cả năm 2013 nhưng chỉ chiếm 10,7% tổng số vốn cần thoái. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, kết thúc năm 2015, các DNNN phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung nguồn lực vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi.

Mặc dù tiến độ thoái vốn đã nhanh hơn,  nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, khối lượng vốn cần thoái để tập trung đầu tư ngoài ngành đến nay vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân thoái vốn chậm là do sức cầu yếu vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới nói chung và khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam nói riêng, cộng với thủ tục hành chính nhiêu khê. Trong bối cảnh đó, kế hoạch bán vốn của các DNNN gặp nhiều khó khăn, ngay cả tên tuổi lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng ế vốn khi thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, DNNN triển khai công tác cổ phần hóa (CPH) chưa quyết liệt.

Cổ phiếu của Công ty CP Nhựa Bình Minh là một trong số danh mục thoái vốn SCIC nắm giữ nhiều nhất về số lượng
Cổ phiếu của Công ty CP Nhựa Bình Minh là một trong số danh mục thoái vốn SCIC nắm giữ nhiều nhất về số lượng

Tháo gỡ điểm nghẽn

Tháo gỡ khó khăn cho công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN, cho phép DNNN được bán vốn dưới mệnh giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định này tháo gỡ được điểm nghẽn lâu nay trong quá trình CPH DNNN nói chung và thoái vốn đầu tư ngoài ngành nói riêng, vì sức cầu đang yếu, bán với giá thị trường đã là khó khăn, chưa nói đến bán giá cao để bảo toàn vốn nhà nước; do đó, nếu ép phải thoái theo hạn định thì sẽ dẫn đến nguy cơ bán tháo vốn, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Việc bán vốn của cổ đông lớn có thể tác động đến nền tảng cơ bản của DN. Theo đề án tái cấu trúc DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2015, trong danh mục đầu tư của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ còn 100 đơn vị, như vậy DN này phải thoái toàn bộ vốn tại 376 DN, chỉ giữ lại vốn đầu tư lâu dài tại 4 công ty là: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dược Hậu Giang (DHG), FPT Telecom, Công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (VNR); đồng thời nắm cổ phần chi phối tại 24 DN đang hoạt động. Riêng năm 2014, SCIC có kế hoạch bán vốn tại 298 công ty nhưng đến nay mới thoái vốn được tại 31 công ty. Đáng lưu ý là nhiều đơn vị SCIC thoái vốn hiện đang niêm yết trên TTCK nên việc thoái vốn của SCIC sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và làm xáo trộn đến hoạt động nền tảng của DN. Vì vậy, SCIC đã đề xuất Chính phủ chọn lại danh mục DN cần nắm vốn lâu dài hay phải thoái vốn. Trong đó đề xuất tiếp tục đầu tư lâu dài tại các DN kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh hiệu quả.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,793       580