Euro 2016

Doanh nghiệp khổ vì hối lộ

Doanh nghiệp phải hối lộ trong các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh không chỉ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại mà còn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư

Trong bảng xếp hạng Trace Matrix do Trace International - một tổ chức vận động chống hối lội đặt ở Mỹ với các tiêu chí đánh giá như: cách thức doanh nghiệp (DN) quan hệ với chính phủ, luật chống hối lộ…, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới.

Nhiều khoản chi ngoài luồng

Nghiên cứu của Trace International cho thấy Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về vấn nạn hối lộ trên thế giới. Tổ chức này đánh giá Việt Nam có mức độ rủi ro cao trong quan hệ với chính phủ, ngoài ra còn gánh nặng quản lý và sự trông đợi được “lại quả” cũng cao.

Trước đó, báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra DN nhỏ và vừa năm 2013” của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) khảo sát với 2.500 DN nhỏ và vừa hoạt động trong khu vực chế biến cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam nhìn chung không có sự cải thiện trong các năm gần đây. Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng cản trở DN, kéo dài từ giai đoạn 2009 đến nay.

Thực tế, đến 19% DN được khảo sát cho biết họ phải thanh toán các khoản chi phi chính thức trong năm 2013, trong đó, 29% các khoản chi có liên quan đến dịch vụ công. Mức độ gia tăng của các chi phí không chính thức cũng được ghi nhận khi năm 2013 có 45% DN được hỏi cho biết phải chi những khoản không chính thức, trong khi tỉ lệ này vào năm 2011 chỉ là 38%. Có tới 38,5% DN không chi hối lộ trong năm 2011 nhưng đã phải chi hối lộ trong năm 2013, chi phí cho dịch vụ công đã tăng từ mức 26% năm 2011 lên 29% năm 2013…

Muốn thuận lợi, DN “phải biết điều”

Giám đốc một DN tư nhân chuyên sản xuất quần áo trẻ em trên địa bàn quận 9, TP HCM cho rằng đã là một DN có con dấu, có hoạt động sản xuất kinh doanh thì chuyện “phải biết điều” với cơ quan nhà nước là hiển nhiên. Ông dẫn chứng DN ông là một trong những đơn vị hoạt động sạch về môi trường, tuân thủ đầy đủ quy định và không có vi phạm trong sản xuất nhưng vẫn không nằm ngoài vấn nạn phải “chung chi” khi làm các thủ tục, chứng từ liên quan đến nhà nước. Thủ tục hành chính hiện quá rườm rà, rắc rối làm nảy sinh cơ chế “xin - cho”. Không đề cập chuyện DN làm sai, ngay cả khi làm đúng quy trình, thủ tục nhưng muốn nhanh, DN đều phải “có gì đó”.

“Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng cái gì cấm không cho DN làm thì phải ghi rõ trong luật được DN kỳ vọng là bước đột phá. Còn nếu như hiện nay, các quy định, điều luật quá nhiều nảy sinh giấy phép mẹ, giấy phép con” thì DN phải “chung chi” là điều khó tránh” - vị đại diện DN này nhìn nhận.

Trong khi đó, lãnh đạo một DN xuất khẩu cho rằng vấn đề “lại quả”, hối lộ của DN với cơ quan nhà nước là một tệ nạn nhưng nếu mọi người làm đúng luật và bản thân DN quyết tâm không tham gia thì sẽ không có chuyện này. Ông kể: Có lần, cơ quan hải quan làm khó lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cập cảng TP HCM để sản xuất hàng nội địa. Năm lần bảy lượt họ mời đại diện công ty lên làm việc, giải trình về lô hàng. Có người bàn nên “có gì đó” để được thông quan nhanh hơn nhưng công ty quyết tâm làm đúng luật, sau đó đích thân tổng giám đốc phải ra tận cảng, làm việc với hải quan và chứng minh các giấy tờ cho thấy mình làm đúng. Cuối cùng, lô hàng cũng được thông quan và DN không chi một đồng nào... 

Nản lòng DN

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá tệ tham nhũng nặng nề gây ảnh hưởng đến DN. Các biểu hiện của tham nhũng thể hiện ở chuyện “lại quả”, mua bán, liên kết nhằm chuyển giá gây ra nhiều hệ lụy. Hậu quả của tình trạng này là làm tăng chi phí, mất cơ hội của DN trong hoạt động kinh doanh, làm méo mó trong hạch toán, thất thu ngân sách.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chi phí phi chính thức là phần mà tất cả DN Việt Nam cũng như FDI đều phải chi và ngày càng tăng lên. Bà Lan đề xuất cần tăng cường yếu tố công nghệ thông tin để cải cách hành chính và bộ máy.

Góc nhìn

Cần cải cách đồng bộ

Kết quả điều tra của tổ chức Trace International về tình trạng hối lộ của DN ở các nước trên thế giới xếp Việt Nam ở vị trí 188/197 nước với 82/100 điểm là điểm tối đa.

Trên 4 lĩnh vực được xếp hạng, Việt Nam được điểm 31 về luật pháp và thi hành luật chống hối lộ, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ban hành các quy định luật pháp về chống hối lộ, lĩnh vực được điểm cao nhất trong 4 lĩnh vực. Việt Nam có điểm 61 về quan hệ của DN với chính phủ, khá thấp, chứng tỏ tác động quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với DN còn nặng nề.

Về tính minh bạch của các cơ quan nhà nước, Việt Nam bị điểm thấp tối đa 100, là điều đáng ngạc nhiên vì chính phủ đã có không ít nỗ lực nhằm cải thiện trên lĩnh vực này. Tuy vậy, điều này cũng phù hợp với những điều tra độc lập của các tổ chức khác ở Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, UNDP, thông tin trên các trang tin của nhiều cơ quan nhà nước nghèo nàn, không được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin chưa được quy chuẩn, ít có giá trị thực tế đối với DN như không cho biết hồ sơ do ai thụ lý, ai chịu trách nhiệm, sẽ được giải quyết trong bao lâu hay giá đất được đền bù là bao nhiêu, giá cho thuê đất (hay mỏ, rừng, mặt nước) là bao nhiêu...

Nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới chủ trì cho thấy các DN ở Việt Nam phải chi ngoài pháp luật từ 72% đến 107% lợi nhuận của họ, tức là gánh nặng về chi phí lên DN rất lớn. Nếu cộng thêm chi phí về thời gian như thời gian đóng thuế lên đến 872 giờ so với 172 giờ là mức bình quân của các nước ASEAN khác thì thấy áp lực đè nặng lên năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam vì phải gánh chịu nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc.

Thủ Tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo phải có cải thiện nhanh chóng trên những lĩnh vực này và được các DN rất mong đợi. Hy vọng các cơ quan có trách nhiệm quan tâm nghiên cứu và sớm có các biện pháp cải cách đồng bộ, đem lại cải thiện thiết thực cho DN.

TS Lê Đăng Doanh

Người lao động

      © 2021 FAP
        150,890       209