Euro 2016

Điều rang muối kéo nhau đi Trung Quốc

Tranh mua, giá điều tăng cao gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu

Hiện có rất nhiều cơ sở nhỏ làm ăn theo kiểu chụp giựt, cứ đến mùa vụ là họ nhảy vào tranh mua nguyên liệu điều với giá cao để rang muối bán cho Trung Quốc. Điều này gây bức xúc cho các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, bởi với giá nguyên liệu cao như hiện nay so với giá xuất khẩu họ bị lỗ. Nhiều doanh nghiệp đang rất cần thu mua nguyên liệu vào để chế biến cho đơn hàng xuất khẩu nhưng không dám mua vào mà phải tiếp tục ngồi chờ giá hạ.

Cơ sở nhỏ mọc như nấm

Theo báo cáo từ Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện thương nhân Trung Quốc sang  Việt Nam mua điều nhân với số lượng lớn để rang muối. Các nhà máy nhỏ, siêu nhỏ chỉ cần kiếm lãi 1-2 triệu đồng/ngày là họ làm để cung cấp hàng cho Trung Quốc. Rang muối rất đơn giản, chi phí thấp, không có hàng tồn kho. Đánh nhanh rút lẹ, khi không còn hàng thì họ nghỉ.

Những người làm điều rang muối đi Trung Quốc chấp nhận mua giá điều thô cao đến 31.500 đồng/kg, sau khi rang xong bán ra từ 115.000-118.000 đồng/kg. Ngoài ra, họ còn tận dụng vỏ điều bán ra với giá 2.500 đồng/kg, có thêm lãi. Các doanh nghiệp cho biết, hiện giá điều cao do tại khu vực Bình Phước tập trung rất nhiều cơ sở nhỏ mọc lên làm theo thời vụ, khi hết mùa họ cũng biến mất.

Nhà máy chế biến điều xuất khẩu đang bị áp lực giá nguyên liệu tăng cao
Nhà máy chế biến điều xuất khẩu đang bị áp lực giá nguyên liệu tăng cao

Giá điều thô hiện nay rất cao  25.000-26.000 đồng/kg, còn điều nhập đến kho doanh nghiệp phải từ 30.000 đồng/kg trở lên. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, với giá điều cao như hiện nay, kể cả điều nguyên liệu nhập khẩu, cũng không thể có lãi được, giỏi lắm là hòa vốn.

Cần phải sắp xếp lại

Hiện cả nước có 465 nhà máy chế biến điều có quy mô lớn, vừa và nhỏ. Còn nếu tính thêm các cơ sở chế biến quy mô “siêu nhỏ” như những lò chè hộ gia đình lên đến trên 1.000 cơ sở. Trong đó chỉ có 45 nhà máy là có quy mô lớn. Chế biến điều phát triển nóng vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu trong nước, nên phải nhập khẩu nguyên liệu với số lượng lớn. Nhiều cơ sở thủ công, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp làm thương mại, không có cơ sở chế biến cũng tranh mua nguyên liệu không bảo đảm chất lượng để xuất khẩu làm mất uy tín ngành điều trong nước.

Theo tính toán từ Hiệp hội Điều Việt Nam, mùa vụ điều 2014 này, các doanh nghiệp cần 8.750 tỉ đồng để thu mua 350.000 tấn điều nguyên liệu trong nước và 520 triệu USD để nhập khẩu 650.000 tấn điều nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng cho ngành điều 19.670 tỉ đồng. Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ ngành điều, cho doanh nghiệp vay 8.750 tỉ đồng để thu mua điều nguyên liệu trong nước, với lãi suất ưu đãi 4%/năm.

Hiệp hội cũng kiến nghị nhà nước cần sắp xếp lại các cơ sở chế biến điều theo hướng giảm dần các cơ sở nhỏ không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến và các đầu mối xuất nhập khẩu lớn, có trang thiết bị và công nghệ hiện đại. 

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, vụ điều năm nay, các doanh nghiệp sẽ chế biến và xuất khẩu 180.000 tấn điều nhân các loại thu về 1,8 tỉ USD, tổng cộng các mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng đạt khoảng 2,2 tỉ USD.

Người lao động

điều trang muối, doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Điều Việt Nam, người làm điều rang muối, điều thô


      © 2021 FAP
        160,687       499