Euro 2016

“Ngôi nhà” cho doanh nghiệp Nhật

Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật không chỉ cung cấp nhà xưởng xây sẵn mà còn có hàng loạt tiện ích, dịch vụ lần đầu tiên ra đời tại TP HCM

Ông Jinjiro Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật, cho biết doanh nghiệp (DN) Nhật vào hoạt động tại đây chỉ cần “bật công tắc điện là bắt đầu sản xuất” bởi các khâu thủ tục đã được chủ đầu tư cung cấp trọn gói từ A-Z.

Dịch vụ trọn gói

Theo ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước, Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật khác biệt với các mô hình trước đây bởi không chỉ cung cấp nhà xưởng xây sẵn mà còn nhiều tiện ích và dịch vụ đi kèm, như: tư vấn quản lý, thuế, tư vấn đầu tư, kế toán, đào tạo và huấn luyện… Đây là mô hình KCN dành riêng cho DN Nhật giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, nhanh chóng triển khai hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí quản lý.

Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật tháng 10-2014 mới đi vào hoạt động nhưng hiện đã thu hút khoảng 100 nhà đầu tư Nhật đến tìm hiểu
Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật tháng 10-2014 mới đi vào hoạt động nhưng hiện đã thu hút khoảng 100 nhà đầu tư Nhật đến tìm hiểu

Khu kỹ nghệ được xây dựng trên diện tích 13 ha (giai đoạn đầu là 3 ha) trong khuôn viên KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với tổng mức đầu tư khoảng 31 triệu USD. Trong đó, vốn góp của Công ty CP KCN Hiệp Phước chiếm 45%, phần còn lại của Công ty Unika Holdings (nhà đầu tư Nhật đã hoạt động tại Việt Nam gần 20 năm qua). Sau khi khởi công hồi giữa tháng 2-2014, dự kiến đến tháng 10 năm nay, dự án sẽ chính thức tiếp nhận các nhà đầu tư Nhật vào hoạt động. Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng dự án sẽ thu hút những DN vừa và nhỏ, có trình độ công nghệ cao từ Nhật đến đầu tư nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo đà cho sự phát triển, thu hút các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao trong tương lai.

Nói về dự án này, ông Jinjiro Kimura cho biết ưu điểm của người Nhật là có chuyên môn sâu, kỹ thuật cao nhưng họ rất ngại các thủ tục hành chính như xin giấy phép, thuế, hải quan… Với mô hình này, các vấn đề vướng mắc sẽ được giải tỏa và DN chỉ cần tập trung đưa máy móc vào sản xuất kinh doanh. “Đây là cách kêu gọi đầu tư hoàn toàn mới, một KCN dành riêng cho người Nhật, am hiểu văn hóa Nhật” - ông Jinjiro Kimura nói. Theo ông, muốn phát triển công nghiệp phải bắt đầu từ công nghiệp phụ trợ. Với 180 DN Nhật đang đầu tư làm ăn tại TP HCM, nay có thêm vài chục DN tại Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật sẽ tạo thành mạng liên kết giúp đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ của TP.

Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), nếu làm tốt, mô hình này có thể nhân rộng ra các KCN khác như khu công nghệ cao và TP sẽ chuẩn bị quỹ đất nhằm kêu gọi DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… “Để quảng bá cho dự án, Hepza cùng các sở, ngành đã qua Nhật thuyết trình tại 4 tỉnh, thành. Bước đầu xây dựng dự án 13 ha nhưng có thể mở rộng thêm trong tương lai” - ông Hòa nói.

Ấp ủ trong nhiều năm

Nói về ý tưởng thành lập dự án này, ông Jinjiro Kimura nhớ lại khoảng 3 năm trước trong nhiều lần trò chuyện, lãnh đạo Hepza đề nghị Công ty Unika Holdings Việt Nam (ông Jinjiro Kimura kiêm tổng giám đốc) hỗ trợ mời gọi DN Nhật đến TP HCM đầu tư. Bản thân Công ty Unika Holdings sau hơn 18 năm đầu tư thành công tại TP HCM rất có uy tín và được nhiều người Nhật quan tâm nên việc giới thiệu đầu tư không quá khó. Từ đó, Công ty Unika Holdings trở thành cầu nối, giúp thu hút đầu tư cho Việt Nam và bản thân DN Nhật cũng có lợi khi mở rộng thị trường, tìm hướng đầu tư mới.

“Tuy nhiên, khó khăn phát sinh là sau khi hô hào đầu tư nhưng đầu tư vào đâu, khi nào… thì chúng tôi không trả lời được, không cụ thể hóa được câu chuyện kêu gọi đầu tư. Và suốt một thời gian, việc kêu gọi không có hiệu quả. Phải có đất, có KCN rồi xây dựng nhà xưởng để người Nhật đem máy móc qua sản xuất mới thành công” - ông Kimura nói.

Với ý tưởng lập khu kỹ nghệ riêng cho DN Nhật, suốt thời gian sau đó, chiến dịch quảng bá cho dự án được tiến hành, thu hút khoảng 500-700 DN Nhật đến nghe, tìm hiểu tại 4 thành phố của Nhật là Tokyo, Osaka, Fukoka và Nagoda. Vài ngày trước, dự án cũng tiếp tục được quảng bá tại tỉnh Senda - nơi từng xảy ra động đất, sóng thần. Các tổ chức JETRO, JAICA, lãnh sự và nhiều ngân hàng thương mại Nhật… cũng tham gia hỗ trợ quảng bá cho dự án xây khu kỹ nghệ này.

Dù mới khởi công hơn 1 tháng nhưng đến nay dự án đã thu hút khoảng 100 nhà đầu tư là các DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ quan tâm tìm hiểu, trong đó 30 DN đến khảo sát thực tế và hứa hẹn sẽ có nhiều DN đặt nhà máy sản xuất tại đây. Hiện Công ty TNHH Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật đã bắt đầu triển khai cho DN làm thủ tục, hợp đồng thuê nhà xưởng để vận hành ngay khi dự án hoàn thành vào tháng 10 tới.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-3

Kỳ tới:  Trao vốn tận tay

Tận dụng tối đa

lợi thế

Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật đáp ứng được nhu cầu đón nhận luồng vốn đầu tư chất lượng cao từ Nhật vào Việt Nam thời gian tới và tận dụng tối đa các lợi thế cạnh tranh sẵn có của KCN Hiệp Phước. Ông Kimura cho biết phải mất 6 tháng mới tìm được mặt bằng sau khi khảo sát nhiều nơi tại Đồng Nai, TP HCM như KCN Lê Minh Xuân, khu vực quận Thủ Đức và cuối cùng chọn KCN Hiệp Phước với cảng nước sâu cho phép tàu có tải trọng từ 30.000-100.000 DWT ra vào luồng Soài Rạp. Dự án nằm cạnh KCN Long Hậu, KCX Tân Thuận, bên trong KCN Hiệp Phước còn có chi cục hải quan và trạm biên phòng cửa khẩu. Đây là vị trí thuận lợi giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thị trường TP HCM và các tỉnh lân cận, cùng thị trường khu vực như Lào, Campuchia…

Người lao động

      © 2021 FAP
        160,687       512