Euro 2016

Không để người chăn nuôi chịu thiệt

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, hiện nhiều doanh nghiệp đã “bắt tay” với ngân hàng vào cuộc thu mua tạm trữ thịt, trứng gia cầm

Phóng viên: Thưa bà, hiện các sản phẩm gia cầm của người chăn nuôi đang tồn rất lớn do không tiêu thụ được, tình trạng này sẽ còn kéo dài?

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM

- Bà Lê Ngọc Đào: Do lo ngại dịch bệnh lây lan, nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm tại các địa phương lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã khẩn trương thanh lý và xuất chuồng số lượng lớn gia cầm để tránh dịch và tạm dừng tái đàn trong thời điểm hiện nay. Tình hình diễn biến trên đã gây ảnh hưởng bất lợi cho thị trường và người chăn nuôi: khả năng tiêu thụ giảm từ 30%-50% so với bình thường ở các kênh phân phối truyền thống và với số lượng gia cầm, trứng gia cầm cung ứng lớn, thị trường không thể tiêu thụ hết, tạo áp lực giảm giá sâu, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên theo dự báo, tình hình cung ứng gia cầm và trứng gia cầm trong thời gian tới có thể xảy ra thiếu hàng trong cuối quý II/2014 do lượng gia cầm tại các trại giảm mạnh và cần phải có thời gian tái đàn sau dịch.

TP HCM đã kết nối cho một số doanh nghiệp (DN) vay vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua tạm trữ cấp đông thịt và trứng gia cầm sạch. Mục đích của việc kết nối này là gì, thưa bà?

- Trước tình hình trên, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM chỉ đạo các ngân hàng tham gia chương trình bình ổn giải quyết cho 4 DN bình ổn thị trường mặt hàng thịt, trứng gia cầm vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi. Theo đó, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty TNHH San Hà, Công ty TNHH Phạm Tôn và Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Thanh niên Xung phong đã ký kết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thực hiện cho vay tín chấp lãi suất ưu đãi 6% trong vòng 6 tháng (mỗi DN được vay 10 tỉ đồng).

Công ty TNHH Ba Huân phân phối trứng gia cầm đến các đại lý Ảnh: HỒNG THÚY
Công ty TNHH Ba Huân phân phối trứng gia cầm đến các đại lý Ảnh: HỒNG THÚY

Mục đích của việc này trước hết là hỗ trợ giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi, đồng thời tạo sự chủ động nguồn thịt, trứng gia cầm có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong khi nguồn cung gia cầm sống có thể thiếu hụt do chưa kịp tái đàn. Thành phố không áp chỉ tiêu mỗi DN phải mua tạm trữ số lượng bao nhiêu mà các DN chủ động tính toán, tổ chức thu mua theo khả năng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Ngoài 4 DN này, 2 DN khác thuộc chương trình bình ổn là Công ty Vĩnh Thành Đạt và Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng tham gia thu mua tạm trữ sản phẩm gia cầm nhưng không cần vay vốn của Sacombank.

Việc kết nối vay vốn ưu đãi này chỉ gói gọn trong phạm vi các DN tham gia bình ổn hay mở rộng cho tất cả DN muốn thu mua tạm trữ gia cầm sạch?

- Trước mắt, Sở Công Thương tập trung kết nối, hỗ trợ các DN trong chương trình bình ổn thực hiện tạm trữ hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng cho thị trường sau dịch bệnh. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống phân phối và khuyến khích DN bình ổn thị trường thu mua các sản phẩm của nông dân với chính sách giá tốt.

Công tác giải ngân vốn vay và thu mua tạm trữ đã thực hiện đến đâu, thưa bà?

- Theo tôi được biết, hiện nay các đơn vị đã hoàn tất thủ tục tại ngân hàng và đang tiến hành giải ngân. Các DN đã chủ động ứng vốn thu mua tạm trữ thịt, trứng gia cầm. Nhờ vậy, giá thịt, trứng gia cầm tại các trại đã thoát đáy và đang nhích nhẹ. Ngoài Sacombank, hiện một số chi nhánh ngân hàng như Agribank Chi nhánh  Lý Thường Kiệt, BIDV Chi nhánh Nam Sài Gòn cũng sẵn sàng hỗ trợ các DN bình ổn theo điều kiện trên. 

Định hướng kênh tiêu thụ an toàn

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (1 trong 4 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ sản phẩm gia cầm), cho biết đợt cúm gia cầm này, các tiểu thương bán hàng bên ngoài bị ảnh hưởng rất nặng, còn đối với các sản phẩm gà “nóng”, giết mổ trái phép gần như tê liệt. Ngay như San Hà là DN có thương hiệu nhưng có ngày giảm đến 50% lượng tiêu thụ.

Ghi nhận tại siêu thị Lotte (quận 7), nhiều sản phẩm gia cầm đang có chương trình khuyến mãi như: trứng gà CP từ 24.500 đồng/chục còn 19.900 đồng/chục, gà hấp hành (gà chế biến sẵn) từ 160.000 đồng/con còn 109.000 đồng/con để kích cầu tiêu dùng.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, dự báo giá các sản phẩm gia cầm sẽ tiếp tục nhích lên do có nhiều DN tham gia tạm trữ ngoài 4 DN tại TP HCM.

Về phía cơ quan quản lý, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết người tiêu dùng sẽ có niềm tin vào các sản phẩm đã qua kiểm dịch nếu công tác phối hợp giữa nơi xuất và nhập tốt. Tại TP HCM, từ lâu đã thống nhất chỉ có sản phẩm từ các cơ sở giết mổ công nghiệp mới được về thành phố. Sản phẩm ra thị trường phải có thương hiệu, có công bố chất lượng, có bao bì, nhãn mác và định hướng kênh tiêu thụ an toàn cho người tiêu dùng là các kênh phân phối hiện đại và những nơi có điều kiện bảo quản đạt chuẩn.

Về giải pháp lâu dài, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và các sản phẩm sạch, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết đang phối hợp với các sở, ngành triển khai chuỗi thực phẩm an toàn. Mục đích để có thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Khi vào siêu thị mua con gà có thể biết gà nuôi từ trại nào, giết mổ ngày nào, ở đâu,... thì người tiêu dùng sẽ yên tâm.

N.Ánh

Người lao động

      © 2021 FAP
        160,827       242