Euro 2016

“Giải cứu” gia cầm sạch

Giá sản phẩm gia cầm tại các tỉnh Đông Nam Bộ đang nhích lên nhờ thông tin các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ

Mong mỏi lớn nhất của người chăn nuôi và các doanh nghiệp (DN) là người tiêu dùng đừng quay lưng với các sản phẩm gia cầm để gia cầm sạch không bị vạ lây.

Thoát giá đáy

Bà Kim Ngân, chủ một trang trại gà đẻ trứng 70.000 con tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết giá trứng gà loại lớn (loại 1, 2) hiện ở mức 1.300 đồng/quả (ngày 12-3), tăng 200 đồng/quả so với thời điểm “đáy” cách đây 1-2 tuần. “Đó là giá tại trang trại quy mô, đạt chuẩn có kênh tiêu thụ, chứ trại nhỏ lẻ bên ngoài còn thê thảm hơn. Với giá này, người nuôi vẫn lỗ vì phải trên 1.800 đồng/quả thì mới thu hồi được vốn và có lãi” - bà Ngân nói.

Tình hình dịch bệnh khiến khả năng tiêu thụ các sản phẩm gia cầm giảm từ 30%-50% so với bình thường Ảnh: Hồng Thúy
Tình hình dịch bệnh khiến khả năng tiêu thụ các sản phẩm gia cầm giảm từ 30%-50% so với bình thường Ảnh: Hồng Thúy

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, xác nhận giá các sản phẩm gia cầm tại địa phương đang nhích lên. Giá gà tam hoàng, gà thả vườn (gà lông) đang ở mức 28.000-30.000 đồng/kg và đã có người mua. Trước đó, giá hai  loại gà này chỉ ở mức 24.000-25.000 đồng/kg, trong khi giá thành đã 38.000-40.000 đồng/kg khiến nhiều trang trại đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Công cho rằng thông tin về cúm gia cầm khiến người tiêu dùng tẩy chay, dù ngành thú y vẫn kiểm soát được dịch bệnh và lượng gia cầm mắc bệnh rất nhỏ so với tổng đàn.

Sở Công Thương TP HCM đánh giá tình hình dịch bệnh có thể khiến khả năng tiêu thụ giảm 30%-50% so với bình thường ở các kênh phân phối truyền thống. Với số lượng gia cầm và trứng gia cầm cung ứng lớn như hiện nay, thị trường không thể tiêu thụ hết, sẽ tiếp tục tạo áp lực giảm giá sâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, dự báo đến khoảng cuối quý II/2014, nguồn hàng có thể bị thiếu hụt do lượng gia cầm tại các trại giảm mạnh và phải cần có thời gian tái đàn sau dịch.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Sở Công Thương TP HCM đã giúp kết nối 4 DN tham gia chương trình bình ổn, gồm: Công ty TNHH San Hà, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty TNHH Phạm Tôn và Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thanh niên Xung phong (ADECO) với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), mỗi DN vay 10 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi và tín chấp trong thời gian 6 tháng để thực hiện dự trữ (cấp đông).

Lối ra bằng tạm trữ

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết vẫn đang chờ vốn ưu đãi giải ngân nhưng DN cũng đã cấp đông được trên 130 tấn hàng. “Với 10 tỉ đồng, San Hà có thể thu mua toàn bộ gà lông đến ngày xuất chuồng của các trại có liên kết và cả các trang trại an toàn bên ngoài. Nếu để quá lâu thì người nuôi càng lỗ nặng và gia cầm cũng dễ sinh bệnh, ảnh hưởng đến việc vệ sinh chuồng trại để tái đàn” - bà Hà dự tính.

Một lý do khác giúp DN mạnh dạn tạm trữ sản phẩm gia cầm là hiện nay, phần lớn người tiêu dùng đã nhận thức được thực phẩm tươi phải được bảo quản trong điều kiện lạnh mới an toàn, không còn chuộng gà “nóng” giết mổ và sử dụng ngay nên tin tưởng vào đầu ra sau này.

Chủ một nhà máy giết mổ gia cầm quy mô lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán chi tiết: Ví dụ với con gà 2 kg đem giết mổ, đóng gói mất phí khoảng 3.500 đồng, cấp đông 2.500 đồng, bảo quản lạnh 3.000 đồng/3 tháng. Như vậy, tạm tính mỗi con gà 2 kg, sau 3 tháng chi phí chỉ tốn 9.000 đồng (4.500 đồng/ký) và với giá thu mua dưới giá thành như hiện nay, DN tạm trữ bảo đảm sẽ có lợi nhuận nên vấn đề hiện nay chỉ là vốn.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cũng cho biết DN đang tạm trữ trứng gia cầm để bảo đảm thu mua hết sản phẩm cho các trại liên kết. Ngoài ra, công ty còn ứng thêm tiền cho người nuôi để họ giữ đàn vì có giai đoạn người nuôi không có lời.

Công ty TNHH Ba Huân cũng đang nỗ lực bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân ở các trại liên kết dù lượng bán ra không tương ứng. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, mong mỏi người tiêu dùng đừng quay lưng với gia cầm sạch để ngành chăn nuôi, nhất là nông dân, bớt khó khăn. 

Siêu thị vẫn bán hàng tốt

Ông Trương Chí Thiện cho biết lượng trứng bán trong kênh siêu thị thời gian qua tăng 10%-20% do được người tiêu dùng tin tưởng. Đại diện siêu thị Lotte Mart xác nhận sức mua các sản phẩm gia cầm tại đây đang có chiều hướng tăng lên. Mới đây, Lotte còn bán gà trống cúng (nguyên con có lòng và tiết) với giá 125.000 đồng/kg vào các ngày đầu và giữa tháng âm lịch. “Gà trống cúng là một sản phẩm mang tính truyền thống, rất phổ biến với các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, trên thị trường, sản phẩm được bày bán chủ yếu dưới dạng gà lông ở các chợ lẻ hoặc hộ gia đình, ít bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, sản phẩm mới của siêu thị được người tiêu dùng đón nhận” - đại diện Lotte Mart cho biết.

Người lao động

      © 2021 FAP
        160,828       236