Euro 2016

Thừa tiền đâm lo

Trái ngược với tình trạng đói thanh khoản cách đây 2 năm, hệ thống ngân hàng thương mại hiện đang rơi vào tình trạng thừa vốn, dễ huy động nhưng lại rất khó cho vay

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đánh giá hệ thống ngân hàng vừa trải qua một cái Tết bình yên hiếm có. Thông lệ mọi năm, trước Tết NH thường rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản nhưng năm nay, NHNN không phải cấp thanh khoản cho bất cứ NH nào, chỉ cấp tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Tiền về NH đang nhiều

Theo NHNN, 2 tháng đầu năm, cầu vay mượn của các NH thương mại (TM) trên thị trường liên NH rất thấp, lãi suất qua đêm có lúc giảm xuống 1,3%-1,5%, là mức rất thấp so với lãi suất 5% vào thời điểm cuối năm ngoái.

Các ngân hàng thương mại hiện dễ huy động vốn nhưng lại khó cho vay Ảnh: HỒNG THÚY
Các ngân hàng thương mại hiện dễ huy động vốn nhưng lại khó cho vay Ảnh: HỒNG THÚY

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi báo cáo trước Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ 2 tháng đầu năm cũng nhận định “tiền về NH đang nhiều”. Lãi suất huy động giảm xuống thấp hơn trần quy định nhưng các kênh đầu tư khác đang tắc nên NH vẫn huy động được vốn. Trong khi đó, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với tháng 12- 2013. Tiền về nhiều, các NHTM thường hay kinh doanh tiền tệ nên buộc NHNN phải hút tiền về để trung hòa với lượng mua vào trong 2 tháng đầu năm lên đến 4 tỉ USD. Điều hành tiền tệ vì thế rất căng thẳng.

Khó khăn trong sử dụng vốn, các NH đang coi trái phiếu Chính phủ là kênh đầu tư an toàn. Tính đến cuối tháng 2, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành qua Kho bạc Nhà nước lên đến hơn 31.500 tỉ đồng dù lãi suất đã giảm xuống chỉ còn 6,15%-7,67%/năm theo kỳ hạn 2-5 năm. Thực chất, đây không phải hướng tạo vốn cho nền kinh tế, nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng lệch lạc vai trò của hệ thống NHTM, cạnh tranh vốn với doanh nghiệp (DN) trong khi không đẩy được vốn vào sản xuất để tạo ra hàng hóa.

Rủi ro lớn

Theo các chuyên gia kinh tế, đáng lo ngại trên thị trường hiện nay là cầu không còn phản ứng với cung, biểu hiện rõ nhất là lãi suất giảm cũng không thúc đẩy được giải ngân tín dụng. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, DN không mặn mà vay vốn vì không có cơ hội kinh doanh, số khác sức tàn lực kiệt không đáp ứng đủ điều kiện thế chấp để vay vốn.

Một chuyên gia tài chính NH cảnh báo có 3 rủi ro lớn trong hệ thống NH hiện nay. Thứ nhất, các NH rất có thể sẽ hạ chuẩn cho vay để đẩy vốn ra nhằm chống lỗ ngắn hạn. Nhưng khi hạ chuẩn cho vay sẽ gây ra rủi ro tín dụng và nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu. Thứ hai, các NHTM rất dễ mắc phải tình trạng khó tìm khách hàng tốt (do vướng nợ xấu), khi đó sẽ thiên về cho vay các DN xuất khẩu nhiều mà chủ yếu là những tập đoàn, tổng công ty. Trong thời kỳ vốn NH “vón cục”, các NHTM từng gửi niềm tin cho vay vào các “ông lớn” đã có nhà nước chống đỡ nên mới hình thành các con nợ như Vinashin, Vinalines. Thứ ba, thừa vốn dễ dẫn đến tình trạng tín dụng ảo, vốn chạy lòng vòng trong hệ thống NH, không được đẩy ra lưu thông. Nguyên nhân là do NHTM lớn cho vay khách hàng tốt với giá rẻ nhưng DN chưa có cơ hội gì làm ăn thì đem tiền gửi vào NH nhỏ hưởng chênh lệch. Hiện tượng này sẽ hình thành bong bóng tài chính, khi bong bóng xì hơi, các căn bệnh về thanh khoản, đột biến về lãi suất trên thị trường sẽ rất khó lường hết.

Lãi suất huy động, cho vay đều giảm

Số liệu của NHNN cho thấy nhiều NHTM CP đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn khoảng 0,2%-0,5%/năm. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến từ 1%-1,2%/năm (không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng), 5%-7%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng), khoảng 6,5%-7,5%/năm (kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng) và 7,5%-8,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 1,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư.

Lãi suất cho vay bằng VNĐ phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7%-9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9%-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 11,5%-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn; trong đó, một số DN tốt đã được giải ngân các khoản vay với mức lãi suất chỉ 6%-7%/năm. Lãi suất cho vay USD  phổ biến 4%-7%/năm.

Người lao động

      © 2021 FAP
        150,947       346