Bên cạnh thành lập 5 đoàn thanh tra, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra các doanh nghiệp sữa có thị phần lớn, Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định quyết tâm xử lý vi phạm (nếu có)!
Sau cuộc họp nội bộ về quản lý giá sữa giữa liên bộ Tài chính - Công Thương và các đơn vị liên quan vào chiều 4-3, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết từ nghi vấn có dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp (DN) sữa có thị phần lớn, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức 5 đoàn thanh tra 5 DN sản xuất và kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn để làm rõ việc tuân thủ pháp luật về giá.
Có thể thanh tra từ tuần này
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu vi phạm, các DN sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật. “Có thể thanh tra trong tuần này, đồng thời kết hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khác để kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và công khai thông tin” - ông Tuấn khẳng định.
Liên quan đến việc phối hợp quản lý giá sữa giữa các bộ, ngành, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương thu thập số liệu liên quan để điều tra các hành vi liên quan đến dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. “Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nếu cần thiết, Bộ Tài chính và các bộ, ngành sẽ thanh tra và nếu có vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật” - ông Tuấn cho biết thêm.
Xem xét áp giá trần
Về giải pháp quản lý thị trường sữa trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết liên bộ đang nắm bắt tình hình và các thông tin liên quan để có phương án. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng: “Không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền công bố biện pháp bình ổn giá. Theo Luật Giá, có tới 7 biện pháp bình ổn nhưng chúng tôi đang tính đến việc áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, giá trần là giá tối cao nhà nước cho phép DN được bán. Đây là biện pháp hành chính không dựa trên tiềm lực tài chính hoặc tiềm lực thị trường mà dựa trên năng lực của nhà nước trong việc cung ứng mặt hàng bình ổn hoặc áp giá trần. Phân tích về thực trạng nguồn cung sữa hiện nay, ông Doanh cho rằng thực tế nhà nước không có nguồn lực về mặt hàng này do không chủ động được nguồn cung mà phải nhập khẩu lớn. “Trong tình hình thế giới biến động, ai bảo đảm giá sữa thế giới sẽ không tăng? Khi giá thế giới biến động ảnh hưởng đến giá thành trong nước thì giá trần sẽ có hiệu lực như thế nào? Vì vậy, phải xem xét đến tính khả thi của biện pháp hành chính này” - ông Doanh phân tích.
TS Lê Đăng Doanh nói thêm: Hiện nay, cần xem xét xem cơ cấu thị trường, thị phần của các DN. Sau đó, cần làm tốt khâu quản lý nguồn sữa nhập, kể cả nắm số liệu trong nước và nước ngoài, để kiểm soát việc nâng giá xem có phù hợp với biến động giá nhập khẩu và tỉ giá hay không. Ngoài ra, việc điều tra sự liên kết giá giữa các DN cũng hết sức cần thiết và phải nhanh chóng làm rõ.
Trung Quốc gom hàng đẩy giá sữa tăng cao
Về phía các DN sữa, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-3, đại diện Vinamilk cho biết mặt hàng sữa đang cạnh tranh rất khốc liệt nên các DN không muốn tăng giá. Cả năm 2013, Vinamilk không tăng giá sữa và tham gia chương trình bình ổn giá. Việc Vinamilk tăng giá sữa từ ngày 10-2 là bất khả kháng. “Mỗi lần tăng giá, DN phải cân nhắc tăng ở mức hợp lý nhất. Tuy vậy, giá của DN nội như Vinamilk cũng mới bằng 60% so với sữa ngoại” - vị đại diện này nói.
Đại diện các DN sắp bị kiểm tra giải thích: Do giá nguyên liệu thế giới tăng “chưa thấy điểm dừng” trong khi cả thế giới chỉ có 4 nhà cung cấp chính nên các công ty sữa trong nước dù nhập khẩu hay sản xuất đều bị tác động. Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng Bộ phận Đối ngoại và Pháp lý Công ty Nestlé Việt Nam, không bình luận về việc sẽ bị thanh tra mà chỉ nói ngắn gọn “là sẽ chấp hành các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước”.
“Do Trung Quốc gom hàng của các nước rất nhiều vì người tiêu dùng Trung Quốc không còn tin dùng sữa nội địa dẫn đến tình trạng hút hàng, đẩy giá lên. Bên cạnh đó, do thời tiết tại Mỹ khắc nghiệt liên tục đã làm giảm nguồn cung. Trong khi đó, nguồn sữa tại Việt Nam nhập khẩu trên 70% nên lệ thuộc vào giá thế giới” - đại diện một công ty sữa có thị phần lớn phân trần.
P.Nhung - N.Ánh
giá sữa, doanh nghiệp sữa, dẹp loạn giá sữa, Cục quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, kinh doanh sữa