Thiếu chính sách, quy hoạch cụ thể nên phát triển công nghiệp phụ trợ lâu nay vẫn chưa thoát ra khỏi phạm vi... bàn họp để đi vào thực tiễn
“Không bao giờ là quá muộn” là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) về tương lai của ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện các tập đoàn sản xuất lớn đang có mặt tại Việt Nam, rất cần có nguồn cung ứng nguyên phụ liệu tại chỗ để giảm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Thời cơ đang tới
Samsung đang đầu tư lớn vào Việt Nam nên có nhu cầu lớn về phụ kiện. Đó chính là cơ hội tại chỗ cho DN nội địa. Ở đây, rất cần vai trò của nhà nước và hiệp hội tìm hiểu nhu cầu nhà sản xuất, định hướng và làm cầu nối cho DN trong nước gặp gỡ, từng bước cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho nhà sản xuất. Trong tương lai, tỉ lệ nội địa hóa sẽ càng tăng lên do nhiều nhà sản xuất phụ vẫn tiếp tục vào Việt Nam, đặc biệt là khi tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên đi vào hoạt động sẽ cần nhiều nhà cung cấp hơn nữa. Trong số đó, có những DN chọn liên doanh với DN nội địa để cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Samsung.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Vina, đây là thời cơ tốt để Việt Nam có thể học hỏi, nắm bắt công nghệ và lớn dần lên. Kinh nghiệm tại các nước cho thấy khi DN phụ trợ nước ngoài vào thì ngành công nghiệp phụ trợ trong nước sẽ phát triển. DN nội địa các nước (nhất là Trung Quốc) tận dụng rất tốt cơ hội này, không chỉ khai thác được lợi thế từ liên doanh mà bản thân những nhân sự tham gia vào các DN công nghiệp phụ trợ của nước ngoài tại nước họ cũng chủ động học hỏi công nghệ, kỹ năng và khi đã đủ năng lực sẽ tách ra xây dựng công ty riêng. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như vậy.
Trong khoảng 3 năm nữa, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đàm phán thành công, ngành dệt may trong nước sẽ phải nhập khẩu khoảng 50% nguyên phụ liệu và đến 5 năm nữa, DN trong nước có thể “tự phục vụ” được 70%. Để làm được điều này, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất cần có chính sách quy hoạch khu sản xuất dệt nhuộm. Một thực tế là khi DN xin địa phương triển khai dự án, các địa phương đều từ chối vì sợ ô nhiễm, tuy nhiên vấn đề môi trường có thể quản lý được. Đồng thời, DN cần được ưu đãi về chính sách đất đai như giảm thuế, phí trong thời gian nhất định…
Mỗi địa phương cần thí điểm một vài ngành
Theo TS Nguyễn Minh Phong, trước mắt, để phát triển công nghiệp phụ trợ đòi hỏi rất nhiều thứ, nhất là nhận thức. Chính phủ bắt đầu quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ. Việc quan trọng là các ngành, các lĩnh vực phải có quy hoạch cụ thể, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho từng lĩnh vực (ô tô - xe máy, cơ khí, điện tử, dệt may...) và có định hướng rõ ràng sản phẩm làm ra cung cấp cho ai, làm sao tham gia vào chuỗi cung ứng. Song song đó, nhà nước cần có chính sách vốn vay để hỗ trợ DN phát triển công nghệ, tạo hành lang pháp lý cho các vụ tranh chấp thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ; chính sách thuế cũng cần thay đổi để khuyến khích đầu tư công nghiệp phụ trợ.
Nghị định 103 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (tháng 8-2013) có giải pháp hoàn thiện cơ chế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành công nghiệp phụ trợ. Theo đó, cần nghiên cứu, nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, quy định các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm công nghiệp phụ trợ được hưởng ưu đãi…
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng thời cơ cho DN Việt Nam đang đến khi các tập đoàn nước ngoài muốn đẩy mạnh phát triển DN phụ trợ trong nước để tiết kiệm chi phí. Hiện cả nước có hàng trăm ngàn DN đang hoạt động. Mỗi ngành có hàng vạn DN nên đủ khả năng làm công nghiệp phụ trợ, vấn đề là làm sao kết nối được các DN đang hoạt động hoặc sắp thành lập vào chuỗi giá trị của DN FDI. “Cơ hội đã đến, mỗi địa phương cần làm thí điểm một vài ngành. Thí điểm trong khoảng 2 năm rồi lan tỏa dần mới thành ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nếu không có công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam không thể phát triển như kỳ vọng và khi đó, dù có thu hút bao nhiêu FDI cũng không có ý nghĩa bởi chúng ta phải dựa trên sức mình là chính” - GS Nguyễn Mại nói.
Cần hỗ trợ của nước đi trước
Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan cho thấy những nước đi sau muốn phát triển công nghiệp phụ trợ rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của những nước đi trước - các nước này không chỉ có kỹ thuật, công nghệ mà còn có các DN đầu tư lắp ráp sản phẩm ở nước ngoài. Hàn Quốc và Đài Loan thời kỳ đầu đã tranh thủ được sự giúp đỡ của Nhật để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần nghiên cứu bổ sung danh mục các lĩnh vực, dự án đầu tư trọng điểm quốc gia cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, địa bàn ưu tiên sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu. Số ngành, lĩnh vực, địa phương ưu tiên không nhiều nhưng phải có sức lan tỏa lớn và đủ động lực để hình thành các cụm công nghiệp quy mô với năng lực sản xuất cao.
Ngoài ra, cần giảm đầu tư công để góp phần giảm nhập khẩu, đi kèm với tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư của khu vực có vốn nhà nước.