Euro 2016

Sổ tiết kiệm cho trẻ em

Từ trẻ sơ sinh đến 15 tuổi đều có thể trở thành khách hàng của ngân hàng, đứng tên mở sổ tiết kiệm khi dịch vụ tiết kiệm cho trẻ đang nở rộ

Vừa hết Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Loan (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) gom toàn bộ tiền mừng tuổi của cậu con trai 2 tuổi ra ngân hàng (NH) làm thủ tục mở tài khoản tiết kiệm.

Trẻ sơ sinh cũng có tài khoản

Ngoài tiền lì xì, mỗi khi ông bà, cô bác cho con trai tiền dịp đầy tháng, sinh nhật, chị Loan đều để riêng. “Ban đầu tôi bỏ heo đất, có lúc mua vài chỉ vàng để dành nhưng thấy mở tài khoản đứng tên của con ở NH tiện lợi, mỗi tháng hoặc khi nào có tiền dư sẽ gửi thêm vào. Vừa an toàn lại có thể sinh lời” - chị Loan nói.

Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank Ảnh: HỒNG THÚY
Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank Ảnh: HỒNG THÚY

Mở tài khoản riêng cho con ngày càng được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn. Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết con gái anh mới 1 tuổi nhưng đã có tài khoản NH. Từ lúc bé mới sinh, các khoản tiền gia đình cho con, anh đều để riêng không dám xài. “Đến nay cũng được gần 20 triệu đồng, tôi liền ra NH mở tài khoản đứng tên con. Dù con nhỏ chưa biết gì nhưng xem đó là món quà ý nghĩa ba mẹ dành cho bé khi lớn lên” - anh Thanh nói.

Theo ghi nhận, hiện nhiều NH đã triển khai sản phẩm tiết kiệm dành cho trẻ em như: Tiết kiệm dành cho trẻ em - Lớn lên cùng yêu thương của NH BIDV; Tiết kiệm tích lũy cho con của VietinBank; Tiết kiệm yêu thương cho con của NH Nam Á; Tiết kiệm cho con yêu của Eximbank hay Tiết kiệm Hoa trạng nguyên của NH Bưu điện Liên Việt… Với dịch vụ này, cha mẹ là người giám hộ, sẽ đứng ra mở tài khoản, sổ tiết kiệm mang tên con mình.

Nhân viên NH Eximbank cho biết khách hàng gửi tiết kiệm lần đầu, ngoài CMND hoặc hộ chiếu, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện là bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu của chủ tài khoản, chủ thẻ tiết kiệm (trẻ em). Khách hàng có thể chọn kỳ hạn gửi tiền theo tháng, năm với số tiền gửi tối thiểu từ 1 triệu đồng hoặc 50 USD trở lên. Một số NH khác nhận mở tài khoản với số tiền chỉ từ 200.000 đồng…

Dạy con cách tiết kiệm

Tại  Techcombank, sản phẩm tiết kiệm SuperKid sau khi triển khai hơn 1 năm, đã có trên 20.000 khách hàng, số dư giao dịch không ngừng tăng. Ông Trịnh Minh Thảo, Giám đốc NH Tài chính cá nhân miền Nam của Techcombank, cho biết sau khi mở tài khoản cho con, cha mẹ có thể gửi tiền bất kỳ lúc nào tại quầy giao dịch, máy ATM, qua Internet Banking… Số tiền gửi ban đầu tối thiểu chỉ 200.000 đồng, không giới hạn số lần nộp thêm, thời gian tiết kiệm cho bé tối đa 15 năm. “Mỗi lần tặng tiền vào tài khoản cho bé, gia đình và người thân có thể gửi lời nhắn yêu thương cho bé. NH còn khuyến khích cha mẹ chở con em mình đến nộp tiền vào tài khoản để con được trải nghiệm kỹ năng tài chính. Khi trẻ biết được thông tin về trường hợp thương tâm, bão lũ, tai nạn… muốn làm từ thiện có thể trích một phần tiền từ tài khoản này rất ý nghĩa” - ông Thảo cho biết.

Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) Trương Đình Long nhận xét lập tài khoản NH cho trẻ, ngoài việc dành khoản tiền tiết kiệm nhỏ hằng tháng cho con, cha mẹ còn giúp con tập tính tiết kiệm. Tiền lì xì, sinh nhật… mỗi lần tuy nhỏ nhưng “bỏ ống heo” NH để tích lũy trong tương lai sẽ thành khoản tiền lớn. “Nhiều phụ huynh vẫn lúng túng khi dạy con về giá trị đồng tiền hay quan tâm đến mục đích sử dụng tiền của con. Mở tài khoản NH cho con sẽ hỗ trợ cha mẹ giáo dục các bé ngay từ nhỏ hiểu ý nghĩa của đồng tiền, biết cách tiết kiệm và sử dụng tiền một cách hiệu quả” - ông Long nói.

Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia tài chính TS Đinh Thế Hiển cho rằng mở sổ tiết kiệm cho trẻ em là một hình thức bảo hiểm nhân thọ cho con từ nhỏ nhưng linh hoạt hơn, không bắt buộc phải đóng tiền theo tháng và bình quân lãi suất cao hơn. Dịch vụ tiền gửi này ngày càng xuất hiện phổ biến do đáp ứng được nhu cầu. Với một khoản tiền nhỏ hằng tháng, cha mẹ có thể tiêu xài hết hoặc tích lũy cho con qua tài khoản NH. Gửi NH vài trăm ngàn đồng/tháng nghe có vẻ ít nhưng nếu tích lũy nhiều năm sẽ thành số tiền lớn giúp cha mẹ nuôi con ăn học. “Tiền gửi tiết kiệm dài hạn cho trẻ em cùng với quỹ hưu trí tự nguyện nếu được nhân rộng sẽ là nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển xã hội” - TS Đinh Thế Hiển nói.

Giáo dục kỹ năng tài chính

Nhiều tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức tài chính cũng triển khai các chương trình giáo dục tài chính được học sinh, phụ huynh quan tâm. Techcombank cho biết năm nay sẽ đẩy mạnh phối hợp với các trường, phòng giáo dục từng quận, huyện triển khai tuyên truyền, giáo dục kỹ năng tài chính cho học sinh và khuyến khích phụ huynh tham gia. Cụ thể, cấp 1 các em sẽ được học về tính tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Cấp 2, các em học cách chi tiêu thông minh, cách sử dụng đồng tiền và cấp 3 học kỹ năng lập kế hoạch tài chính.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,579       383