Euro 2016

Méo mặt mùa Tết

Do trồng theo phong trào, không nắm bắt được nhu cầu thực tế nên Tết năm nay, nhiều nhà vườn và các thương lái ở ĐBSCL phải khóc ròng, thậm chí có người lâm vào cảnh nợ nần vì sản phẩm bí đầu ra

Trước Tết vài ngày, dạo quanh nhiều điểm kinh doanh hoa kiểng và trái cây phục vụ thị trường Tết ở các tỉnh ĐBSCL, nhiều người dự đoán giá cả sẽ tăng vì sản lượng hoa, trái giảm so với mọi năm. Không ít người do lo ngại giá tăng nên đã tranh thủ mua hoa, trái về để sẵn trong nhà.

Năn nỉ khách đừng trả giá

Thế nhưng, khoảng 28 Tết, hàng loạt hoa kiểng và trái cây ùn ùn đổ về các điểm kinh doanh tập trung khiến giá bán giảm từng giờ. Nếu hoa cúc và hoa vạn thọ có giá bán trên 40.000 đồng/chậu trước thời điểm ngày 27 Tết thì sau đó giảm xuống còn 30.000, 20.000 rồi 10.000 đồng/chậu. Thậm chí đến trưa 30 Tết, 2 loại hoa này giảm còn 5.000 đồng/chậu nhưng người bán phải nài nỉ khách thương tình đừng trả giá nữa! Có nhà vườn và thương lái vội vàng “nối máy” với người thân ở các chợ vùng quê, hỏi thông tin để kịp đem hoa trở ngược về bán với giá chấp nhận được. Chị Mai Thị Lụa - một nhà vườn trồng hoa kiểng ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ - bị lỗ hàng chục triệu đồng trong dịp Tết, nói: “Ai cũng bỏ mặc thị trường nông thôn để đưa hoa kiểng tập trung về các chợ lớn ở thành thị với hy vọng bán được giá cao. Nào ngờ chính các chợ ở nông thôn mới là nơi bán có giá cao hơn”.

Nhiều nhà vườn ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ bỏ thí ruộng bắp cải, không màng thu hoạch do giá quá thấp
Nhiều nhà vườn ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ bỏ thí ruộng bắp cải, không màng thu hoạch do giá quá thấp

Nhiều nhà vườn và thương lái cung cấp một số loại trái cây chưng Tết cũng chết dở vì giá bán giảm đến mức không ngờ. Ông Nguyễn Văn Thái (ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) thu hoạch 700 cặp dưa hấu loại gần 7 kg/trái. Ngày 26 Tết, ông chuyển hàng lên TP Cần Thơ với hy vọng sẽ “hốt bạc”. Trong ngày đầu tiên, gần trăm cặp dưa của ông bán được với giá 200.000-230.000 đồng/cặp khiến ông mừng thầm. Đến hôm sau, hàng loạt nhà vườn và các thương lái đổ xô đem dưa về Cần Thơ bán khiến giá giảm mạnh. Đến trưa 30 Tết, ông Thái hạ giá bán còn 30.000 đồng/cặp để mong gỡ gạc chi phí nhưng vẫn tồn gần 50 cặp dưa. Không thể mang số dưa này về, ông Thái quyết định bỏ lại điểm bán cho những người bán vé số dạo.

Anh Phạm Chí Tâm (một thương lái bán bưởi Năm Roi ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thu mua 10 tấn bưởi để đem lên chợ Bình Điền (TP HCM) bán dịp Tết. Tới nơi, anh hoa cả mắt khi thấy cả trăm tấn bưởi đã tụ về đây. Tiêu thụ nhỏ giọt, anh vội lái xe tải quay về các chợ vùng ven ở Cần Thơ để bán. Đến mùng 1 Tết, bưởi của anh Tâm tồn khoảng 2 tấn.

Trồng rau rồi... nhổ bỏ

Những năm trước, các loại rau, củ như bắp cải, củ cải, cải xanh, xà lách… là mặt hàng bán được giá trong những ngày Tết. Do vậy, năm nay, hàng loạt nhà vườn ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang và TP Cần Thơ chọn thời điểm gần Tết để xuống giống khiến những tháng trước đó, giá các mặt hàng này luôn ở mức cao do khan hàng. Theo đó, ngày thường giá bắp cải và củ cải trắng dao động ở mức trên 10.000 đồng/kg. Đến giáp Tết, giá rớt thê thảm, chỉ còn 1.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn làm eo không thu mua. Để gỡ gạc, nhiều nhà vườn thu hoạch bắp cải và củ cải rồi đem ra ven đường bán với giá 3.000 đồng/kg. Thậm chí, có nhà vườn bỏ thí bắp cải nằm chơ vơ ngoài đồng. Tính ra mỗi công đất trồng bắp cải và củ cải, nhà vườn lỗ khoảng 10 triệu đồng.

Thảm hại nhất là những người trồng cải bẹ xanh. Trước Tết, giá cải bán tại ruộng từ 4.000-6.000 đồng/kg nhưng đến cận Tết, thương lái bỏ mặc nhà vườn tự tìm thị trường. Không có phương tiện vận chuyển ra chợ bán với giá rẻ mạt (khoảng 500- 1.000 đồng/kg), nhiều hộ trồng cải bẹ xanh đành nhổ bỏ để kịp trồng loại rau màu khác. Ông Hai Thắng, hộ chuyên trồng rau cải ở phường Phú Thứ, phải nhổ bỏ gần nửa tấn cải bẹ xanh ngay mùng 2 Tết để kịp xuống giống khổ qua. Ông nói chua chát: “Cái Tết này đối với gia đình tôi thật đáng quên!”. 

Người trồng mai lao đao

Do thời tiết trở lạnh bất thường và kéo dài nên nhiều hộ trồng mai ở TP HCM khốn khổ vì mai không nở kịp Tết.

Mùng 5 Tết, dọc 2 bên đường Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12) có gần chục vườn mai lớn nhỏ, vườn nào mai cũng vừa chớm nở. Ông Dương Văn Thanh, chủ vườn mai Út Thanh, cho biết: Năm nay, hầu hết các vườn ở  làng mai An Phú Đông đều thua lỗ, mai nở không kịp Tết nên không bán được. Vườn nhà tôi hơn 1.000 gốc mai nhưng chỉ có 50% là nở kịp Tết!

Vườn mai Bảy Châu của bà Lê Thị Ngọc Tấn (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) cũng trong tình cảnh tương tự. Dẫn chúng tôi xem 4 cây mai to, bà Tấn cho biết cây to nhất năm nào cũng được đem cho thuê với giá 20 triệu đồng nhưng năm nay đành phải để lại vườn vì hoa không nở kịp. Vườn nhà bà có hơn 600 gốc mai nhưng chỉ hơn 30% nở kịp Tết. Riêng 500 gốc mai nhận chăm sóc giùm khách cũng chỉ 50% số cây đạt, còn lại khách không lấy hoặc lấy nhưng bớt tiền công chăm sóc. “Tùy cây lớn nhỏ mà tôi nhận chăm sóc với giá từ 50.000 đồng đến 4 triệu đồng/cây/năm, do mai không đạt nên khách không đến nhận khiến nhà vườn lỗ công chăm sóc. Doanh thu vì thế giảm hơn một nửa so với Tết năm rồi” - bà Tấn nói.

T.Hồng

Người lao động

      © 2021 FAP
        151,017       738