Euro 2016

Nhộn nhịp xuất khẩu đầu năm

Xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế với kim ngạch 132 tỉ USD trong năm 2013. Đầu năm nay, xuất khẩu tiếp tục “ghi điểm” khi các doanh nghiệp liên tục nhận được nhiều đơn hàng mới

“Ngay trong tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ xuất lô hàng 80.000 sản phẩm đi Nhật và lô 50.000 sản phẩm đến Mỹ. Lô hàng đi Nhật trị giá 960.000 USD và lô hàng đi Mỹ là 60.000 USD” - ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, cho biết.

Hết “ăn đong”

Trái với cảnh phải “ăn đong” đơn hàng như những năm trước, năm nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may đã chủ động khi đơn hàng của nhiều đơn vị kéo dài đến giữa năm. Theo ông Phạm Xuân Hồng, đơn giá xuất khẩu tuy không tăng so với năm ngoái nhưng là khởi đầu tương đối thuận lợi. Nhật, Mỹ vốn là thị trường nhập khẩu dệt may truyền thống của DN nhiều năm qua, khách hàng có kế hoạch ổn định.

Ngay đầu năm, nhiều doanh nghiệp dệt may liên tục nhận được đơn hàng xuất khẩu mới Ảnh: Hồng Thúy
Ngay đầu năm, nhiều doanh nghiệp dệt may liên tục nhận được đơn hàng xuất khẩu mới Ảnh: Hồng Thúy

Ngoài ra, với một số thị trường mới tại châu Âu, Công ty CP May Sài Gòn 3 cũng đang triển khai đơn hàng khoảng 20.000 sản phẩm. Với các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Úc, DN cũng đang thâm nhập để tăng cường đơn hàng. “Những lô hàng xuất đi ngay đầu năm là sự động viên rất lớn cho DN. Nhiều đơn hàng, giá tốt giúp DN hoạt động ổn định, chăm lo tốt hơn cho công nhân. Hiện chúng tôi đã có đơn hàng đến giữa năm” - ông Hồng nói.

Ông Nguyễn Đình Hãn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, cho biết Mỹ tiếp tục là thị trường truyền thống của DN khi lô hàng đầu tiên trong năm mới trị giá khoảng 100.000 USD được xuất sang nước này. Gần đây, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước khác như Thái Lan, Indonesia… giúp nhiều DN dệt may có thêm đơn hàng.

“Chúng tôi không còn cảnh nơm nớp lo thiếu thị trường như những năm trước. Ngay từ đầu năm, các  DN dệt may đã có nhiều hợp đồng đặt hàng, chủ động lựa chọn khách hàng. Hiện chúng tôi đã có đơn hàng đến tháng 4 và thậm chí phải từ chối một số khách hàng” - ông Hãn cho biết.

Tin vui cũng đến với ngành cà phê khi giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng 2.000 đồng/kg, lên hơn 33.000 đồng/kg sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex - cho biết mọi năm, thời điểm này các DN đã xuất khẩu được 50% sản lượng cà phê của niên vụ 2013-2014 nhưng đợt cuối năm giá rớt nên hiện mới xuất được 1/3 sản lượng. Giá cà phê tăng giữa niên vụ là tín hiệu tốt cho ngành cà phê, nông dân cũng được hưởng lợi.

“Năm qua, công ty xuất khẩu gần 400.000 tấn cà phê và đặt mục tiêu tăng 10% trong năm nay. Hiện nhiều hợp đồng đã ký nhưng do công nhân nghỉ Tết nên DN sẽ phải đẩy mạnh xuất hàng trong những ngày tới” - ông Nam nói.

Thách thức vẫn còn

Với ngành dệt may, theo ông Nguyễn Đình Hãn, quan trọng nhất là có đơn hàng nhưng DN lại khó dự báo biến động của thị trường thế giới. Có thể đầu năm thị trường nhập khẩu thuận lợi, đơn hàng nhiều nhưng cuối năm tình hình lại khác. DN trong nước phải nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với DN nước ngoài như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

Việt Nam đang xúc tiến đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được ký kết thời gian tới sẽ là cơ hội lớn cho DN dệt may khi thuế xuất khẩu vào các thị trường lớn về 0%. Cơ hội từ TPP là rất lớn nhưng nếu DN không tận dụng để khai thác sẽ là thách thức khi làn sóng DN nước ngoài tràn vào Việt Nam hưởng lợi ngược lại. Với DN dệt may gia công, không có nguồn nguyên phụ liệu trong nước sẽ khó hưởng lợi từ hiệp định này. “Ngay cả với DN làm hàng xuất khẩu FOB - tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước - cũng chỉ hy vọng có thể khai thác được một phần lợi thế từ hiệp định này” - ông Phạm Xuân Hồng nhận định.

Năm 2013, ngành điều tiếp tục vượt mục tiêu xuất khẩu với kim ngạch 1,66 tỉ USD. Sản lượng xuất khẩu cũng lớn nhất từ trước đến nay với 264.000 tấn nhân điều nhưng giá lại giảm khiến hiệu quả, lợi nhuận đem lại cho các DN chưa cao. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết năm nay, ngành điều tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 5%-10%.

Với ngành chế biến xuất khẩu gỗ, 2014 được nhận định sẽ tiếp tục là năm cọ xát, cạnh tranh để tồn tại của các DN. Hiện DN ngành gỗ vẫn còn nhiều đơn hàng từ năm 2013 đang triển khai nhưng giá bán, lợi nhuận chưa tốt.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) Trần Quốc Mạnh nhận định từ đầu năm nay, các quy định về nguồn gốc xuất xứ gỗ xuất khẩu vào châu Âu bắt đầu có hiệu lực sẽ khiến những DN không đáp ứng được dần loại khỏi thị trường. Quy định này là rào cản đối với xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường châu Âu nhưng với DN đáp ứng tốt yêu cầu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu…

Bài học tạm trữ

Việt Nam xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nên có sức cạnh tranh khá tốt. Năm 2013, xuất khẩu cà phê đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,72 tỉ USD. Vài năm nay, khi giá cà phê xuống thấp, nông dân thay vì bán lỗ đã biết giữ hàng chờ tăng giá nên ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường thế giới.

“Chúng ta có lợi thế về sản lượng nên khi không bán hàng, nguồn cung hụt sẽ đẩy giá đi lên. Bài học tạm trữ hàng khi giá xuống rất quan trọng. Nếu cơ quan quản lý, DN, nông dân, ngân hàng phối hợp tốt sẽ giúp ổn định giá cả, thị trường, nhất là với những mặt hàng thế mạnh, chiếm tỉ trọng lớn của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su…” - ông Đỗ Hà Nam nhận xét.

Người lao động

      © 2021 FAP
        151,017       726