Gặp lại Phan Thị Như Quỳnh, người sở hữu vẻ đẹp thanh nhã, sang trọng trong bức ảnh Nụ cười Việt Nam nổi tiếng được chụp 20 năm về trước
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ khuất sâu bên đường Nguyễn An Ninh, phường Đồng Phú, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với nụ cười thật tươi sau một tuần nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho những buổi biểu diễn nhân dịp Xuân về, Phan Thị Như Quỳnh trông chẳng khác mấy so với dung nhan của chị trong bức ảnh Nụ cười Việt Nam được chụp cách đây 20 năm.
NHAN SẮC CỦA QUỲNH ĐÃ TÔ THẮM THÊM VẺ ĐẸP QUÊ HƯƠNG, đất nước khi trong một thời gian dài, bức ảnh được chọn làm biểu tượng cho du lịch Việt Nam với khẩu hiệu “Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới”.
Anh Võ Thanh Nhân, chồng chị Quỳnh, cho biết cách đây vài tháng, một người ở TP Đồng Hới đề nghị anh chị cho phép sử dụng ảnh Nụ cười Việt Nam để làm một số poster quảng cáo. Được đồng ý, như để cảm ơn, người này đã lồng bức Nụ cười Việt Nam vào hình chụp một góc biển Nhật Lệ rồi mang đến tặng, được anh chị treo bên cầu thang. “Chúng tôi treo bức ảnh tại vị trí này để mọi người khi vừa bước vào nhà đã thấy sự thân thiện của gia chủ, thấy được hạnh phúc của gia đình” - chị Quỳnh bộc bạch.
Chị Phan Thị Như Quỳnh bên bức ảnh Nụ cười Việt Nam quảng bá cho ngành du lịch. Ảnh: Q.N
Lần đầu tiên vào năm 2001, Nụ cười Việt Nam được Tổng cục Du lịch chọn làm biểu tượng quảng bá cho chương trình hành động quốc gia về du lịch. Bên khẩu hiệu “Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới” là bức ảnh Phan Thị Như Quỳnh đội nón lá cười rạng rỡ xuất hiện khắp nơi ở trong nước và quốc tế. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Vũ Quốc Khánh chụp vào năm 1994. Quỳnh kể lúc đó chị vừa tròn 17 tuổi, mới về Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình được 3 năm. Nụ cười Việt Nam ra đời vào dịp một đoàn công tác từ Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó có Vũ Quốc Khánh, đến Quảng Bình để thực hiện loạt ảnh về con người và vùng đất này. “Ngoài tôi ra còn có một chị cùng đoàn và 2 phụ nữ khác nữa. Trên đường đi, đoàn ghé chợ mua nón lá rồi lên động Phong Nha để các nghệ sĩ chụp ảnh. Chúng tôi cứ ngồi tự nhiên trên thuyền vào động Phong Nha cho họ chụp mà không có sự đạo diễn nào. Khi xem bức ảnh, tôi chẳng biết nhiếp ảnh gia bấm máy lúc nào” - chị Quỳnh nhớ lại.
Bẵng đi một thời gian, đến năm 2001, Quỳnh bất ngờ khi nghe một vị lãnh đạo của ngành văn hóa cho biết gương mặt chị xuất hiện nhiều nơi và trở thành hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam giai đoạn năm 2001-2004. Cũng năm 2001, trong một lần vào TP Huế công tác, anh Nhân ngạc nhiên khi thấy bức ảnh vợ mình được phóng to và treo trang trọng bên bờ sông Hương cạnh cầu Trường Tiền. “Tôi mừng quá, liền đi tìm thợ nhiếp ảnh, thuê họ chụp lại bức đó mang về cho vợ xem. Đến nay, chúng tôi vẫn còn lưu giữ tấm hình như một kỷ niệm” - anh Nhân cho biết.
Một lần cùng Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình vào TP HCM biểu diễn, nhiều người không quen và bạn bè đến gặp Quỳnh, chúc mừng chị bởi vẻ đẹp hồn nhiên, thanh thoát của Nụ cười Việt Nam. Có người hỏi sao chị giống người nước ngoài quá!? Còn ba mẹ Quỳnh ở quê thì mừng vui khôn tả. Ông bà nhờ người in bức ảnh, đem về treo trang trọng trong nhà và khoe mỗi khi nhà có khách.
PHAN THỊ NHƯ QUỲNH LÀ CON THỨ 2 trong gia đình có 6 chị em. Ba mẹ chị từng phục vụ trong Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Bình Trị Thiên (cũ) và sớm về quê ở làng Xuân Lai, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sống với nghề nông khi Quỳnh chưa chào đời. Thuở nhỏ, như bao đứa trẻ khác ở quê, Quỳnh cũng ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ, cấy lúa, trồng đay… Rồi một ngày, khi Quỳnh bước qua tuổi 14, đoàn văn công tỉnh Quảng Bình về xã Xuân Thủy tìm người và Quỳnh đã trúng tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình đợt đó bởi được đánh giá là con nhà nòi, có nước da trắng trẻo, nụ cười thân thiện… Không lâu sau đó, Quỳnh được cử ra Hà Nội học xiếc 1 năm, rồi tiếp tục học múa tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Sau 14 năm lập gia đình, nay chị đã có 2 cô con gái. Anh Nhân - chị Quỳnh đều là văn công tại Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình nên rất hiểu và thông cảm cho nhau. Nhờ vậy, gia đình nhỏ ấy luôn tràn đầy tiếng hát, điệu múa và nụ cười trẻ thơ. Vào tháng 5-2013, anh chị được phân công ra Trường Sa biểu diễn phục vụ các chiến sĩ. “Chúng tôi đã tới 10 đảo và 2 nhà giàn, đó là vinh dự lớn đối với nghệ sĩ” - anh Nhân chia sẻ.
Dẫu cuộc sống vẫn còn vất vả, thu nhập ít ỏi nhưng anh Nhân - chị Quỳnh vẫn quyết gắn bó với nghề, để lời ca, điệu múa và Nụ cười Việt Nam mãi tươi vui, rạng rỡ...