Trái ngược với những chợ quốc tế khác thường là nơi tập trung nhiều loại hàng hóa xa xỉ, chợ Na Mèo đúng là chợ “quốc tế” quê xịn khi hàng hóa nơi đây chỉ là những sản vật bình thường của 2 dân tộc Việt - Lào
Chúng tôi “thượng sơn” lên Na Mèo vào những ngày đông sương giăng khắp lối. Mưa rừng nặng hạt khiến cho núi rừng Quan Sơn thêm nặng trĩu. Lạnh tê người. Quốc lộ 217 với những khúc cua uốn lượn quanh sườn núi, một bên là vực thẳm, một bên là núi cao dựng đứng khiến cho ai cũng cảm thấy toát mồ hôi hột. Phải mất gần một ngày uốn lượn theo những cung đường, chúng tôi mới đến nơi. Na Mèo hiện ra như một chấm sáng nhỏ giữa miền biên cương xa xôi.
Chợ cửa khẩu quốc tế Na Mèo nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 200 km về phía Tây. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là địa điểm giao lưu văn hóa thắm đượm tình nghĩa 2 nước Việt - Lào.
Phiên chợ độc đáo này chỉ họp duy nhất buổi sáng thứ bảy hằng tuần. Chính vì thế, để kịp có mặt cho buổi họp chợ, rất nhiều người dân ở các bản xa xôi như Ché Lầu, Cha Khót, Mùa Xuân, Xía Nọi… của huyện Quan Sơn đã phải mang hàng đi khỏi nhà từ sáng thứ sáu, đến chiều tối là họ đã có mặt tại chợ Na Mèo. Đồng bào các dân tộc nước bạn Lào cũng vậy. Những người ở xa đến từ chiều thứ sáu, họ tụ tập gần khu vực biên giới. Sáng thứ bảy làm thủ tục qua cửa khẩu xong là xuống chợ.
Một góc chợ Na Mèo ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: T.M
Để được tận mục sở thị phiên chợ “quốc tế” đang còn hoang sơ và mang tính vùng miền này, chúng tôi đã có mặt ở đây trước ngày phiên chợ diễn ra. Sáng tinh mơ, Na Mèo đang còn ngái ngủ, sương mờ giăng khắp lối thì tại cửa khẩu quốc tế Na Mèo, hàng trăm người dân nước bạn Lào đã tập trung trước cửa khẩu chờ đến giờ mở cửa.
Nét đặc trưng và độc đáo nhất của chợ Na Mèo mà ít chợ biên giới nào có được là những món hàng người dân mang đến. Họ bán tất tần tật những gì họ làm, trồng, săn bắn được như: rau, củ, quả, cá suối nướng, tôm xiên, thịt rừng, bọ xít, bọ ngựa nướng… Và ở chợ này còn có một món ăn rất “độc” và lúc nào cũng có đó là chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng.
Cảnh mua bán diễn ra vui vẻ, thân thiện, không có chuyện kỳ kèo, so đo bớt một thêm hai như chợ dưới xuôi. Điểm đặc biệt ở chợ cửa khẩu quốc tế Na Mèo là dù không biết tiếng của nhau nhưng mọi người vẫn có thể mua, bán, trao đổi hàng hóa bằng cách ra ký hiệu. Tại đây, việc mua bán cũng rất thuận tiện vì cùng một lúc, chúng ta có thể dùng được 3 loại tiền là VNĐ, kíp Lào và USD để trao đổi.
Chị Mom Kham Pôn - một tiểu thương người Lào ở huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn - cho biết nhà chị cách chợ khoảng 90 km. Để kịp họp chợ, chị đã đi ô tô về cửa khẩu Nậm Xôi của Lào từ chiều thứ sáu và ngủ trọ ở đó. “Mình là giáo viên dạy tiếng Anh ở Viêng Xay, ở nhà cũng có một đại lý buôn bán nhỏ. Mình buôn bán ở chợ này được 5 năm rồi, người Việt Nam rất vui tính, dễ gần, họ thích những món hàng của nước mình nên buôn bán ở đây cũng được” - chị Mom Kham Pôn cho biết.
Còn bà Lê Thị Thảo, một hộ buôn bán nhỏ ở chợ, cho biết người Lào sang mình mua là chủ yếu, họ mua đủ mọi thứ nhưng chủ yếu là quần áo, chăn màn, cá khô, gạo, thịt và xăng dầu. “Người Lào buôn bán rất lịch sự, không nợ bao giờ, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Thấy người dân bên đó thật thà, chúng tôi cũng bán cho họ với mức giá hợp lý, vẫn có lãi nhưng có tình” - bà Thảo nói.
Đi chợ Na Mèo không đơn thuần chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà đây còn là nơi giao lưu văn hóa để thanh niên nam nữ từ các bản làng xa xôi hẹn hò, tìm kiếm bạn tình. Những ngày cận kề Tết, đêm ở cửa khẩu Na Mèo đông đúc và tưng bừng hơn ngày thường. Ánh đèn cao áp từ khu cửa khẩu soi sáng cả một vùng. Từng tốp thanh niên nam nữ người Mông, Mường, Thái… của 2 nước từ các bản làng đã dập dìu cùng nhau xuống chợ từ sớm trong bộ áo mới thơm lừng hương vị thổ cẩm. Họ tụ tập bên những quán nhỏ ven đường, uống rượu ngô và ca hát suốt đêm.
Phiên chợ Na Mèo thường diễn ra đến khoảng 11 giờ trưa thì kết thúc. Họ chia tay nhau trong cái nắm tay thật chặt thắm tình đoàn kết và hẹn gặp lại nhau ở những phiên chợ sau.