Thị trường Tết đã bước vào cao điểm. Siêu thị, trung tâm mua sắm… trên cả nước tấp nập khách. Giá cả hàng hóa năm nay không tăng nhiều, các mặt hàng “lạ”, hiếm rất hút người mua
Ngày 26-1, tại điểm bán dưa hấu nghệ thuật thư pháp ở số 426 Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM, chủ vựa là anh Nguyễn Văn Thạch đứng ngồi không yên vì sợ làm hàng không kịp giao cho khách.
Dưa “lạ”, heo rừng… hút khách
Thạch cho biết anh mua hơn 2 tấn dưa quả tròn tại nhà vườn ở Long An với số lượng khoảng 400 quả về cho thợ khắc chữ. Trước đó, anh đã làm mẫu rao trên mạng và rải rác có khách đến đặt hàng. Khi thấy hàng bên ngoài đẹp, ưng ý nên nhiều mối tới đặt mua sỉ và toàn bộ số hàng trên đã có chủ.
Theo chủ đề Xuân, các quả dưa được khắc chữ “Tài”, “Lộc” hoặc bộ ba “Phúc - Lộc - Thọ” hay những câu chúc được viết theo kiểu thư pháp tiếng Việt, kèm họa tiết hoa sen, trúc, mai, đào... Nếu dưa hấu thường, giá bán chỉ 12.000-15.000 đồng/kg thì dưa hấu nghệ thuật có giá 150.000 đồng/quả 3-5 kg, 300.000 đồng/quả 9-10 kg nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng rút hầu bao để mua về chưng dịp Tết.
Ngoài làm đẹp thêm các mẫu có sẵn, năm nay, anh Thạch còn “chế” được một loại sơn đặc biệt, màu đỏ để vẽ lên dưa hấu vỏ vàng nhưng số lượng hạn chế. Vì thế, giá bán lẻ có thể bị đẩy lên cao.
Ông Nguyễn Dư Hào, đại diện trại liên kết sản xuất heo rừng Phú Hữu (quận 9, TP HCM), cho biết với sức tiêu thụ hiện nay thì đến khoảng 29 tháng chạp sẽ hết hàng nên ra giêng không còn heo rừng (loại 15 kg trở lên) để bán đầu năm. “Do được hội nông dân, phòng kinh tế quận ủng hộ, giúp sức nên chúng tôi quyết giữ thương hiệu. Heo chỉ ăn cám 5% khẩu phần khi mới sinh, còn lớn lên chỉ ăn bí, khoai, chuối, cỏ, rau... nên phải nuôi gần một năm mới đạt được trọng lượng xuất chuồng (20-30 kg) để bảo đảm chất lượng heo rừng, thịt sạch”.
Theo ông Hào, giá heo hơi vẫn giữ 130.000 đồng/kg như ngày thường, thêm công mổ 200.000 đồng/con nếu khách hàng có nhu cầu. Riêng heo thịt tăng từ 180.000 đồng lên 200.000 đồng để bù vào phần đầu lòng dịp Tết nhà hàng không lấy. “Hiện nhiều hộ nuôi heo rừng quanh khu vực quận 9, Thủ Đức chỉ bán lẻ tại chỗ với giá này chứ không bán sỉ cho thương lái vì không đủ hàng. Nếu khách quen đặt giao tận nơi, chúng tôi xin thêm tiền vận chuyển chứ hàng chưa đủ để mở thêm điểm bán ở trung tâm thành phố”- ông Hào cho biết.
Sức mua còn tăng mạnh
Ngày 26-1, lượng người đi mua sắm Tết tại TP HCM đã tăng rõ rệt. Các trung tâm mua sắm ken đặc người ngay từ bãi giữ xe.
Tại Co.opmart Phú Mỹ Hưng, Lotte Mart (quận 7), khoảng 10-11 giờ đã rất đông khách, đa phần người ra về đều tay xách nách mang các loại bánh mứt, bia, nước ngọt, trái cây, rau củ quả, đồ gia dụng, chất tẩy rửa...
Tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Vissan (chân cầu Ông Lãnh, quận 1), khách hàng cũng đổ về đông. Nhiều người chọn mua các sản phẩm thịt chế biến của công ty này nên phải chờ khá lâu mới thanh toán được tiền.
Tại Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), khách được hướng dẫn gửi xe tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học bên cạnh vì bãi xe của trung tâm đã quá tải. Đại diện trung tâm cho biết lượng khách đông lên từ cuối tuần trước, hầu hết đến mua sắm chứ ít người tham quan, khảo giá như ngày thường. Các mặt hàng tiêu thụ mạnh là đồ gia dụng như nồi cơm điện, bếp gas, bếp hồng ngoại, lò vi sóng...
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc hệ thống Sài Gòn Co.op, cho biết cao điểm mua sắm Tết đã bắt đầu. Trong 2 ngày cuối tuần (25 và 26 tháng chạp), sức mua tăng 2,5 lần so với ngày thường. Dự báo trong những ngày tới, sức mua sẽ tiếp tục tăng mạnh. Điều này đúng với dự đoán của giới kinh doanh: Vào những năm kinh tế khó khăn thì người dân sẽ dồn vào mua sắm những ngày cận Tết. Do đó, hồi đầu tháng, khi sức mua yếu, Sài Gòn Co.op vẫn dự trữ hàng để khỏi bị động vào cận Tết. Để hỗ trợ cho người tiêu dùng, trong 3 ngày trước Tết, hệ thống siêu thị này sẽ giảm giá sâu nhiều mặt hàng tươi sống thiết yếu vì đó là những mặt hàng người dân mua nhiều.