Euro 2016

Tràn lan pháo điện Trung Quốc

Pháo điện có hình dáng và tiếng nổ như pháo thật, đang được bày bán công khai tại nhiều chợ, cửa hàng… trên cả nước. Dù có thể gây họa nhưng pháo điện vẫn không bị liệt vào danh mục cấm

Mỗi dây pháo điện có từ 13-18 viên và nổ như pháo thật khi được kết nối với điện. Các sản phẩm này có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt và có nguy cơ gây chập điện rất cao.

Hà Nội: Đủ loại, đủ giá

Hầu hết cửa hàng bán đồ trang trí Tết ở Hà Nội đều bán pháo điện tử. Pháo điện loại nhỏ, không có thiết bị điều khiển từ xa giá chỉ 50.000 đồng/chùm, loại lớn có điều khiển cầm tay giá từ 580.000-750.000 đồng/chùm.

Pháo điện tử Trung Quốc được bán tràn lan ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Pháo điện tử Trung Quốc được bán tràn lan ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Pháo điện mỗi chùm thường có 18 viên. Theo quảng cáo của các chủ hàng, loại pháo này còn có tiếng nổ như pháo thật nên được nhiều người mua vì thỏa mãn nhu cầu đốt pháo vừa không vi phạm pháp luật, lại có thể cất đi năm sau sử dụng lại. Khi hỏi về xuất xứ của các loại pháo này, một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã tiết lộ nhập về từ Trung Quốc, chủ yếu là hàng nhập lậu. Do đó, giá cả cũng rất khác nhau. “Nếu khách hàng mua trên 10 chùm pháo, cửa hàng có thể giảm giá từ 5%-10%” - bà chủ này nói.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, cho biết các loại pháo có thuốc nổ đều bị cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng. Do đó, đối với pháo điện, cần quan tâm đến quy chuẩn chất lượng khi qua cửa khẩu.

Đà Nẵng: Hàng về là bán hết

Tại cửa hàng O.V chuyên bán đồ chơi trẻ em trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu), pháo điện được trưng bày công khai bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết. Anh T. - chủ cửa hàng - lấy ra hàng chục dây pháo điện và cho biết: Mỗi dây có 13 hoặc 18 viên với 3 kích thước khác nhau. Mỗi viên pháo dài từ 5 - 15 cm, màu đỏ, có chữ phúc, lộc, thọ màu vàng bằng tiếng Trung Quốc, trông khá bắt mắt bằng hệ thống dây điện có thể phát sáng. Theo anh T., ngoài phát ra tiếng nổ, nhiều người mua pháo điện còn để trang trí trong ngày Tết.

Để thuyết phục khách hàng, anh T. lấy một dây pháo điện loại lớn kết nối với điện. Ngay sau đó, đèn gắn xung quanh những viên pháo nhấp nháy. Anh T. bật công tắc, tiếng pháo nổ vang to như thật. Lúc đó, nhiều khách trong cửa hàng giật mình bỏ chạy ra ngoài nhưng sau đó, quay trở lại để hỏi mua. Theo anh T., có thể dùng điều khiển từ xa để bật, tắt và điều chỉnh âm lượng của pháo. Mỗi ngày có hàng chục khách đến hỏi mua pháo điện về chơi Tết.

Còn tại chợ Cồn (TP Đà Nẵng) có rất nhiều quầy hàng bán đồ lưu niệm cũng bày bán pháo điện với đủ chủng loại. Theo các tiểu thương, đây là năm đầu tiên trên thị trường Đà Nẵng xuất hiện pháo điện nổ như thật nên rất được khách hàng chú ý. “Nhiều sạp ở đây nhập pháo điện nhiều nhưng chủ yếu đưa đi các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế tiêu thụ. Hàng về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu” - một chủ quầy hàng ở chợ Cồn nói.

TP HCM: Mới rộ lên

Chơi pháo điện đang được nhiều gia đình tại TP HCM chọn mua trong Tết này. Bỏ qua các mối nguy về sự cố điện, đe dọa tính mạng, nhiều người vẫn chi từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng để mua pháo điện.

Tại cửa hàng P.H trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), cô nhân viên bán hàng giới thiệu với chúng tôi 3 loại pháo điện: Cỡ tiểu 130.000 đồng/bộ, trung 850.000 đồng/bộ và đại là 1,3 triệu đồng/bộ. Loại tiểu, người dùng chỉ cần bật công tắc nhỏ phía sau hộp điện, dây pháo sẽ phát ra một câu tiếng Hoa (người bán dịch là “phát tài phát lộc”) và 1 tràng tiếng nổ lép bép. Với loại trung và đại, bề ngoài không khác mấy so với pháo giả dùng để trang trí nhưng bên ngoài mỗi viên pháo được bọc 1 lớp nhung, chữ mạ vàng và có thêm hệ thống đèn nháy, hệ thống âm thanh phát ra tiếng nổ như pháo thật. Chúng tôi đề nghị xem loại pháo trung và đại, cô nhân viên này dẫn vào sâu trong nhà, lôi ra 2 hộp pháo và cắm điện thử. Quan sát kỹ, cả 3 loại pháo điện có thiết kế rất sơ sài, hộp điện nguồn làm bằng loại nhựa tái chế, dây điện khá mỏng manh. Chúng tôi đề nghị kiểm tra hộp và dây điện trước khi mua thì cô nhân viên này trả lời “chịu thì mua, không thì thôi, hàng này thời vụ nên không cho kiểm tra hay đổi trả”.

Vào một số cửa hàng khác trên cùng tuyến đường, chúng tôi được chào mời mua pháo điện loại trung với giá 950.000 đồng đến 1 triệu đồng/bộ. Một số cửa hàng không treo pháo điện phía trước mà chỉ treo pháo giả, nếu khách hỏi mua, người bán sẽ sang “kho” gần đó lấy về. “Mấy năm trước, khách ít mua. Năm nay, hàng về nhiều, người mua cũng tăng nhưng cơ quan chức năng “quần” dữ quá” - nhân viên cửa hàng 226 trên đường Hải Thượng Lãn Ông nói.

Tại khu vực chợ Bình Tây (quận 6), pháo điện không được bày bán công khai nhưng khi có khách hỏi mua, người bán đều có sẵn hàng. Trong lúc chờ nhân viên lấy “hàng” về cho khách xem, chủ một cửa hàng bán vật dụng trang trí trên đường Tháp Mười (quận 6) cho biết: “Pháo điện xuất hiện tại TP HCM từ 3-4 năm nay nhưng rộ lên trong vài tháng gần Tết. “Nghe nói nhà nước không cấm bán pháo điện nhưng phải có hóa đơn. Tuy nhiên, hàng này nhập lậu nên không có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc. Khách mua thì mình bán chứ không biết chất lượng ra sao và cũng không bảo hành”.

Thời gian gần đây, cơ quan QLTT ở TP HCM đã đưa mặt hàng pháo điện vào danh mục tăng cường kiểm tra. Tuần qua, lực lượng QLTT ở đây tiếp tục kiểm tra tình hình buôn bán, trữ pháo nổ và nguồn gốc các loại pháo khác. Trước đó, trong vụ 10 container lọt lưới hải quan ngày 31-12-2013, cơ quan chức năng đã phát hiện đến 1.364 dây pháo điện.

Tiềm ẩn tai họa

Theo một tiểu thương tại chợ Cồn, hầu hết các loại pháo điện được nhập khẩu từ Trung Quốc vì có giá thành rẻ. “Trong nước cũng có pháo điện nhưng do giá cao hơn nên ít người mua. Một dây pháo Trung Quốc loại 13 viên giá từ 300.000 - 500.000 đồng, loại 18 viên giá từ 700.000 - 1.200.000 đồng, tùy kích cỡ. Loại có điều khiển từ xa đắt hơn loại bình thường khoảng 100.000 đồng và rẻ hơn so với hàng cùng loại trong nước khoảng 200.000 đồng” - chị N.T.L, tiểu thương bán hàng trang trí Tết ở chợ Cồn, cho biết.

Mặc dù có nhiều người mua nhưng chất lượng các loại pháo điện đang bị bỏ ngỏ. Để giảm giá thành, loại pháo này thường sử dụng dây điện nhỏ, dễ bị đứt. “Sợi dây dẫn điện quá nhỏ, tụi nhỏ nghịch ngợm thì nguy hiểm vô cùng. Tiếng nổ rất lớn, nếu điều khiển từ xa, người nghe dễ bị bất ngờ, gây họa như chơi” - một khách hàng nhận định.

Đại diện Chi cục QLTT TP Đà Nẵng cho biết đã phát hiện nhiều cửa hàng có bán pháo điện. Tuy nhiên, mặt hàng này chỉ để trang trí không thuộc danh mục cấm nên không thể xử phạt.

Người lao động

đồ chơi trẻ em, người mua pháo điện, vật dụng trang trí, pháo điện Trung Quốc, chợ Cồn, đồ trang trí tết


      © 2021 FAP
        151,029       255