Euro 2016

Năm 2014, VNĐ sẽ ra sao?

Đang có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của đồng tiền Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều rủi ro mà đồng nội tệ phải đối mặt trong năm 2014

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố “Báo cáo triển vọng tiền tệ Việt Nam” với nội dung phân tích các yếu tố nền tảng giúp ổn định VNĐ trong hiện tại.

Ổn định nhưng vẫn rủi ro

Theo HSBC, cán cân thương mại đã phục hồi vào nửa sau năm 2013 do tình hình xuất khẩu tốt hơn, được hỗ trợ bởi đồng VNĐ yếu đi và các yếu tố mùa vụ. Đó là chưa kể, theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong 2 năm nay, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tương đối cân bằng; chênh lệch xuất siêu, nhập siêu không đáng kể, yếu tố lạm phát có biểu hiện tích cực... là những tín hiệu tốt cho VNĐ.

Điều chỉnh tỉ giá VNĐ/USD ở mức hợp lý và đúng thời điểm sẽ có lợi nhiều mặt cho nền kinh tế                                                                                           Ảnh: TẤN THẠNH
Điều chỉnh tỉ giá VNĐ/USD ở mức hợp lý và đúng thời điểm sẽ có lợi nhiều mặt cho nền kinh tế Ảnh: TẤN THẠNH

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện mức lạm phát 6,04% năm 2013 và dự báo khoảng 7% vào năm 2014 là mức thấp và kiểm soát lạm phát thấp như thế sẽ giữ cho sự ổn định của VNĐ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thành công trong việc xóa bỏ hiện tượng đô-la hóa, giúp thị trường ngoại hối ổn định; xây dựng và tạo được sự ổn định trong thị trường vàng.

Bên cạnh đó, một điểm đáng lưu tâm là việc dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào mạnh sẽ là yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của VNĐ. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đã đạt 19,2 tỉ USD, vượt chỉ tiêu cả năm do Chính phủ đề ra là 13-14 tỉ USD. Tuy vậy, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng khiến doanh nghiệp (DN) trong nước đối mặt với nhiều rủi ro. Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Kiến Thành, vấn đề phát triển ngoại thương, kêu gọi đầu tư nước ngoài phải được nghiên cứu kỹ lưỡng dù dòng vốn đầu tư tích cực từ nước ngoài có thể giúp NHNN củng cố dự trữ ngoại hối, cải thiện khả năng bảo đảm nhập khẩu của Việt Nam. “Phát triển đầu tư nước ngoài hợp lý chứ không phải cứ trải thảm ra cho đầu tư nước ngoài vào chèn ép DN Việt Nam” - ông Thành nói.

HSBC cũng nêu ra một số rủi ro khi ổn định về tài khoản vãng lai và lạm phát thường có khuynh hướng ngắn hạn, vì thế vẫn cần chính sách tiền tệ đúng đắn để kiểm soát 2 yếu tố này. “Dấu hiệu nới lỏng tiền tệ quá mức hay một đợt tăng lạm phát sẽ mang tính chất cảnh báo đối với đồng nội tệ. Tình hình thắt chặt vay mượn và tái cơ cấu sẽ còn tiếp tục diễn ra làm tăng thêm áp lực đối với chất lượng tín dụng và làm trì trệ tốc độ tăng trưởng” - HSBC nhận định.

Điều chỉnh tăng tỉ giá 2%-3% trong năm 2014?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định biến động tỉ giá năm 2014 có thể lên tới 2%-3%. Cơ sở của dự báo này là lạm phát của đồng USD trong năm qua khoảng 2%, lạm phát của Việt Nam trên 6%, như vậy là chênh lệch khoảng hơn 4%. “Nếu không kể những yếu tố khác thì VNĐ phải biến động trong năm qua ít nhất 4%. Áp lực đó chắc chắn sẽ kéo qua năm 2014. Như vậy, chỉ riêng áp lực từ phía lạm phát cũng đã cần sự điều chỉnh, nếu không thì việc tăng giá VNĐ so với USD rõ ràng là nghịch lý vì khi tiền đồng bị định giá cao sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu. Thêm nữa, năm 2014, nền kinh tế có thể phát triển khả quan hơn thì cầu sẽ tăng, nhập khẩu tăng, do đó cũng tạo áp lực trên thị trường ngoại hối.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho rằng tỉ giá nên được điều chỉnh tăng trong năm 2014. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định năm 2014, chính sách tỉ giá cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới”. Trung tâm Nghiên cứu BIDV cũng cho rằng điều chỉnh tỉ giá ở mức 2%-4% là để hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại cũng như cán cân tổng thể.

Tuy nhiên, theo NHNN, có rất nhiều áp lực trong điều hành tỉ giá do nạn đầu cơ, tâm lý kỳ vọng của thị trường và đặc biệt là sự mất cân đối cung cầu trên thị trường ngoại tệ. Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN, cho rằng gánh nặng lên tỉ giá rất lớn khi phải “ôm” nhiều yêu cầu của chính sách như tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng khả năng cạnh tranh, bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn.

Lãi suất nên ổn định ở 5%

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng DN Việt Nam không thể nào cạnh tranh với DN nước ngoài khi lãi suất dành cho họ chỉ 1%-2% trong khi DN trong nước phải chịu đến 10%. Lãi suất nên ở mức hợp lý là 5% và kéo dài ra trong trung hạn, dài hạn để DN có cơ sở bền vững lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Khối ngân hàng toàn cầu, kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn - HSBC Việt Nam, bình luận: “Mức lạm phát hơn 6% của năm qua dù rất thấp so với “chuẩn Việt Nam” nhưng vẫn là mức cao so với các nước trong khu vực. Do đó, bài toán về dài hạn là làm sao phải “ép” lạm phát xuống thấp hơn nữa. Khi lạm phát và kỳ vọng lạm phát thực sự xuống thấp, việc điều hành lãi suất cũng giảm xuống được, tỉ giá giữ ổn định được”.

Người lao động

      © 2021 FAP
        151,029       532