Công nghệ thông tin

Đề xuất giảm thuế cho báo chí

Lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí tiếp tục đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất đối với báo chí để giảm bớt khó khăn hiện nay

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 12-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng báo chí đã mang thông tin tới mọi ngõ ngách, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, giúp việc hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước sát yêu cầu thực tiễn. “Sửa Luật Báo chí lần này phải làm thế nào để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn trong việc hoạch định chính sách, chủ trương của Đảng, nhà nước và nhân dân thực hiện tốt quyền làm chủ của mình” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tổng biên tập “căng” hơn tổng giám đốc

Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, cho rằng kinh tế báo chí đang rất khó khăn. “Tôi nghĩ nên khuyến khích báo chí làm kinh tế khác nữa như truyền thông, PR, in ấn, xuất bản, gần gũi với hoạt động báo chí. Báo chí là loại hình đặc biệt nên việc trợ giúp của nhà nước cực kỳ quan trọng. Tôi vẫn nói đùa rằng ông tổng biên tập bây giờ vất vả hơn cả tổng giám đốc, mở mắt ra một ngày không có được mấy chục triệu tới vài trăm triệu nuôi quân trong tòa soạn thì rất nguy hiểm” - ông Chúc nói.

Phóng viên báo chí phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: ĐỖ DU
Phóng viên báo chí phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: ĐỖ DU

Theo ông Chúc, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu, xem xét để tiếp tục giảm thuế cho báo chí bởi việc giảm thuế với báo in vừa qua vẫn chưa đủ. “Báo điện tử bây giờ cũng rất nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt. Tôi đề nghị giảm thuế xuống 0% cho báo điện tử” - ông Chúc nói.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, cũng thừa nhận chưa bao giờ báo in gặp khó như hiện nay, lượng phát hành tụt thê thảm.  Báo Công an Nhân dân có 6 ấn phẩm báo in đều tụt giảm số lượng phát hành, trong khi nguồn thu quảng cáo giảm, chi phí đầu vào tăng. “Mặc dù Bộ Tài chính đã giảm thuế, Chính phủ có hỗ trợ phát hành báo chí tới vùng đặc biệt khó khăn nhưng các cơ quan báo chí vẫn phải tìm mọi cách để lo về kinh tế” - ông Miên nói.

Trực tiếp tham gia giám sát việc thi hành Luật Báo chí trong năm 2014, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đồng tình với đề xuất giảm thuế mạnh hơn nữa với từng loại hình báo chí. “Tại buổi làm việc ở Bộ Tài chính mới đây, tôi đã nói rằng trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa - văn nghệ, thể thao, y tế và báo chí không phải lấy lợi nhuận làm tối thượng thì phải có chính sách khuyến khích bằng cách giảm thuế” - ông Tiến nói.

Nên cho phép làm truyền hình trên báo điện tử

Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết ở TP HCM có Báo Người Lao Động và Báo Tuổi Trẻ đang phát triển làm clip truyền hình ngay trên trang báo mạng điện tử. Theo ông Long, đây là xu hướng mới cần phải được tính đến khi sửa Luật Báo chí.

Nhà báo Đình Chúc khẳng định xu hướng báo chí đa phương tiện, làm clip truyền hình ngay trên trang báo điện tử là tất yếu. “Có nên chấp nhận các clip trên báo điện tử không? Chúng tôi mong được chấp nhận” - ông Chúc đề xuất.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu Tư, không thể cấm một cơ quan báo in có trang điện tử. “Luật lần này nên có quy định về tập đoàn báo chí và cơ quan báo chí đa phương tiện trong một chương, trong đó hội tụ cả báo điện tử, báo in, video clip truyền hình” - ông Tuấn nêu quan điểm.

Ông Lê Như Tiến cho rằng cần phải làm rõ phạm vi  giữa trang tin điện tử, blog cá nhân với báo điện tử. “Vấn đề đặt ra tới đây là trang tin điện tử, blog cá nhân sẽ phải quản lý thế nào bởi gần đây họ cũng tổng hợp, bình luận như một tờ báo điện tử” - ông Tiến đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết gần đây tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng. Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không trích nguồn. Điều này gây nên sự bất bình đối với các báo đã vất vả, tốn kém trong việc sản xuất tin bài.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đề xuất phải đánh giá sâu về vi phạm bản quyền tác giả báo chí hiện nay để có quy định vào luật.

Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, việc trả lời trên báo chí của các cơ quan chức năng cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Tại nhiều cơ quan báo chí, chỉ có khoảng 22%-30% số đơn thư chuyển đi được các cơ quan chức năng xử lý, trả lời. 

Tư nhân chi phối báo chí

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động của báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí còn hạn chế, bất cập như: xu hướng thương mại hóa trong hoạt động báo chí, có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học, nghiệp vụ của báo chí.

Ông Lê Như Tiến khẳng định tình trạng thương mại hóa báo chí chưa bị đẩy lùi, tư nhân núp bóng nhà nước làm báo diễn ra không ít.

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,138,335       848