Công nghệ thông tin

Vượt thu ngân sách vẫn không tăng lương?

Dù vượt thu ngân sách năm nay dự kiến đến 9% nhưng Bộ Tài chính cho biết vẫn không bố trí được nguồn để tăng lương theo lộ trình

Một trong những điểm sáng của kinh tế năm nay là vừa kết thúc quý III, Bộ Tài chính đã thông báo kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến vượt 9% so với kế hoạch Quốc hội giao. Điều này cho thấy kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang có dấu hiệu phục hồi.

Tăng thu cả chục ngàn tỉ đồng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9-2014 ước đạt 57.260 tỉ đồng. Lũy kế thu 9 tháng đầu năm 2014 đạt 636.000 tỉ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013. So với số thu ngân sách cùng kỳ của 2 năm gần đây thì kết quả thu ngân sách năm nay rất khá.

Chi phí thiết yếu cho đời sống đều tăng nhưng không tăng lương thì người lao động càng khó khăn hơn Trong ảnh: Nhân viên UBND quận 1, TP HCM trong giờ làm việcẢnh: Tấn Thạnh
Chi phí thiết yếu cho đời sống đều tăng nhưng không tăng lương thì người lao động càng khó khăn hơn Trong ảnh: Nhân viên UBND quận 1, TP HCM trong giờ làm việcẢnh: Tấn Thạnh

Trong đó, thu nội địa 9 tháng đầu năm ước đạt 427.890 tỉ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 20,1% so với  cùng kỳ năm 2013. Đáng kể là có nguồn thu khoảng 32.500 tỉ đồng cổ tức và lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp (DN) nhà nước theo số quyết toán năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014. Ngoài ra, có khoản thu khoảng 1.830 tỉ đồng tiền thuế thu nhập DN phát sinh trong quý III/2013 của một số DN đã được gia hạn theo Nghị quyết 02.

Về chi NSNN, tổng chi 9 tháng ước 768.000 tỉ đồng, đạt 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 128.000 tỉ đồng, bằng 78,6% dự toán; chi trả nợ vay và viện trợ đạt gần 102.000 tỉ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 538.000 tỉ đồng, bằng 76,4% dự toán...

Nhu cầu nào cũng cấp bách

Theo Bộ Tài chính, nếu cân đối thu - chi thì số vượt thu vẫn không đủ bội chi và đây là năm thứ hai liên tiếp, ngân sách không đủ nguồn để tăng lương theo lộ trình.

Lý do chưa thể tăng lương, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, hiện có quá nhiều nhu cầu chi cấp bách. Cụ thể, số vượt thu ngân sách 9% sẽ được bố trí cho các nhiệm vụ chi chưa đủ vốn để cân đối. Đó là bù cho phần giảm thu ngân sách địa phương do điều chỉnh chính sách thu vì nguyên nhân khách quan. Một phần khác dành bổ sung kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội - thuộc lĩnh vực được Đảng, nhà nước ưu tiên, mấy năm gần đây đã đưa vào dự toán nhưng ngân sách chưa bố trí được - gồm: tiền điện cho hộ nghèo, kinh phí hỗ trợ bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công, người nghèo, xây dựng nhà ở tránh bão lũ...

Đáng lưu ý là một phần vượt thu cũng được bố trí để tăng chi trả nợ. “Nợ công gần đây có xu hướng gia tăng do phải vay để đảo nợ. Ngân sách hằng năm đều phải bố trí trả nợ nhưng dự toán rất khó khăn, nay phải dành một phần vượt thu để trả nợ, góp phần lành mạnh ngân sách” - bà Mai giải thích.

Ngoài ra, một phần số thu NSNN còn để xử lý nợ hoàn thuế GTGT và dành cho nhiệm vụ chi của một số nhu cầu cấp bách, đột xuất trong năm. “Đây đều là những nhu cầu bố trí nguồn vốn hết sức cấp bách mà số vượt thu chưa đủ để trang trải nhưng cũng góp phần cân đối ngân sách tốt hơn” - Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc ngân sách vượt thu nhưng vẫn không bố trí được nguồn tăng lương theo lộ trình là chưa hợp lý, đặc biệt khi việc tăng lương đã bị trì hoãn năm 2014. “Chi phí thiết yếu cho đời sống như điện, nước, giáo dục, y tế đều tăng nhưng không tăng lương theo lộ trình thì CNVC không thể an tâm” - TS Lê Đăng Doanh nhận xét. 

Quốc hội cần phải có ý kiến

Theo TS Lê Đăng Doanh, Quốc hội cần phải cho ý kiến về vấn đề này vì đời sống người lao động trong khu vực nhà nước là một trong những ưu tiên cần phải đáp ứng. Nếu ngân sách eo hẹp, phải căng kéo cho quá nhiều nhiệm vụ chi thì cần xem xét lại thứ tự ưu tiên, cắt các khoản chi chưa cần thiết khác để dành nguồn tăng lương, bảo đảm đời sống cho CB-CNVC vì tăng lương đã có lộ trình, không phải khoản chi đột xuất.

Người lao động

      © 2021 FAP
        3,316,741       1,184