Thể thao

Bóng đá và VFF:Khi người đứng đầu Chính phủ phải xắn tay

Dư chấn "hậu" thất bại SEA Games 29 cùng "cơn bão" dư luận đòi hỏi phải có sự thay đổi, cải tổ tận gốc tổ chức VFF (mà một "chiến dịch" đang được phát động trên mạng xã hội gọi là "chấn hưng" bóng đá Việt), khiến 2 người đứng đầu Chính phủ, dù bận trăm công ngàn việc phải xắn tay vào cuộc.

Dư chấn “hậu” thất bại SEA Games 29 cùng “cơn bão” dư luận đòi hỏi phải có sự thay đổi, cải tổ tận gốc tổ chức VFF (mà một “chiến dịch” đang được phát động trên mạng xã hội gọi là “chấn hưng” bóng đá Việt), khiến 2 người đứng đầu Chính phủ, dù bận trăm công ngàn việc phải xắn tay vào cuộc.

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch báo cáo đề án củng cố VFF, chiều 28-9 vừa qua Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, VFF về các vấn đề của bóng đá và công tác chuẩn bị Đại hội Liên đoàn Bóng đá khóa VIII (dự kiến vào tháng 3-2018).

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (bên trái) yêu cầu đưa ra giải pháp xử lý tận gốc những vấn đề tồn tại của bóng đá Việt Nam
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (bên trái) yêu cầu đưa ra giải pháp xử lý tận gốc những vấn đề tồn tại của bóng đá Việt Nam

Phó thủ tướng đã chỉ rất trúng những “căn bệnh” của bóng đá nội hiện nay là: hoạt động quản lý, điều hành còn nhiều tồn tại, bất cập; nhiều biểu hiện tiêu cực như cá độ, dàn xếp tỷ số, hành vi bạo lực, thiếu văn hóa trên sân cỏ; cơ chế hoạt động bất cập khiến các CLB gặp khó khăn về nhiều mặt. Còn đối với VFF là căn bệnh thành tích, tư duy ngắn hạn.

Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phải khẩn trương tiến hành sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020. Theo chiến lược, việc phát triển bóng đá được coi “là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”. Vậy cái gì chưa được, cần quy rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.

Nhấn mạnh bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà. Cần làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không đến sân là vì đâu; đặc biệt các bước chuyển lên bóng đá chuyên nghiệp vừa qua đã hợp lý chưa, làm sao để hài hòa giữa việc tham gia của doanh nghiệp với hình ảnh “màu cờ sắc áo”, “chất” địa phương của đội bóng. “Từ đó mới đưa ra được giải pháp, “liệu pháp điều trị” đúng, xử lý tận gốc vấn đề...” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cần nói thêm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi có điều kiện thời gian vẫn xỏ giày ra sân tham gia thi đấu phong trào nên rất am hiểu đời sống bóng đá nội. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất hâm mộ bóng đá, mỗi khi có thể ông đều có mặt trên sân Mỹ Đình với tư cách khán giả, xem đội tuyển Việt Nam.

Trước SEA Games 29, khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sang Malaysia, cùng với lời thăm hỏi, động viên tập thể đoàn thể thao Việt Nam, Thủ tướng đã nhắn gửi 2 đội tuyển bóng đá cần cố gắng giành thành tích cao vì đây là môn rất được quần chúng hâm mộ. Sau SEA Games, Thủ tướng cũng ưu ái có buổi tiếp riêng đội tuyển bóng đá nữ và bày tỏ cảm phục trước các nữ cầu thủ Việt Nam “nhỏ con” mà 5 lần giành HCV.

VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động theo thông lệ quốc tế của FIFA, Chính phủ không can thiệp sâu (về vấn đề nhân sự). Nhưng như đã nói, môn “thể thao vua” luôn được quần chúng nhân dân quan tâm hàng đầu và với bóng đá Việt Nam, tiếng là chuyên nghiệp nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước vẫn rất lớn, đặc biệt là với các đội tuyển quốc gia. Vì vậy vai trò định hướng, chỉ đạo, kể cả “tuýt còi”, uốn nắn của Chính phủ là đúng đắn và hết sức cần thiết.

Trần Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,157,594       846