Thể thao

Hội đồng HLV quốc gia để làm gì?

Trước việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển đổ hết mọi thất bại của U.22 Việt Nam ở SEA Games 29 là do những sai lầm từ sự "non nớt" của mình, HLV Hữu Thắng "phản pháo": "2 năm qua, VFF, hội đồng có góp ý gì với tôi đâu!".

Trước việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển đổ hết mọi thất bại của U.22 Việt Nam ở SEA Games 29 là do những sai lầm từ sự “non nớt” của mình, HLV Hữu Thắng “phản pháo”: “2 năm qua, VFF, hội đồng có góp ý gì với tôi đâu!”. Tuy nhiên, cả 3 ủy viên Hội đồng HLV quốc gia còn lại ngoài ông Hiển và Mai Đức Chung được xem là “người ngoài” nên ý kiến khách quan, đáng tin cậy là: HLV Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Đoàn Thị Kim Chi (HLV tuyển nữ TP.Hồ Chí Minh) đều cho biết có đóng góp ý kiến cho HLV Hữu Thắng, tuy nhiên “không thể can thiệp sâu vì HLV trưởng được giao toàn quyền quyết định về chuyên môn”.

Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia.

Những “tiếng bấc đi, tiếng chì lại” này khiến dư luận một lần nữa dậy sóng về vai trò, thực quyền và sự cần thiết của một tổ chức gắn mác rất to, rất oai này. Cần thiết quá chứ nếu căn cứ theo Điều lệ của VFF chức năng, nhiệm vụ của nó là rất lớn, cực kỳ quan trọng về chuyên môn. Cụ thể, “Hội đồng HLV quốc gia có trách nhiệm phối hợp với các bộ phận chức năng của VFF tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ HLV bóng đá toàn quốc; theo dõi, quản lý, giúp đỡ các HLV về mặt chuyên môn”. Đặc biệt có chức năng “tham mưu cho VFF về việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng HLV cho các đội tuyển quốc gia”. Chức năng, nhiệm vụ như thế nhưng đáng buồn trong thực tế, nhiều nhiệm kỳ Hội đồng HLV quốc gia hoàn toàn “hữu danh vô thực”, nó chỉ được “dùng” đến khi VFF cần có người cùng “chia sẻ trách nhiệm” trước khi đặt bút ký hợp đồng với một HLV mới hay sau một thất bại.

Chưa kể, bản thân các thành viên của hội đồng cũng chưa đủ uy, đủ tầm và trình độ để có thể mạnh miệng góp ý, phản biện. Đơn cử, Chủ tịch hiện tại, ông Nguyễn Sỹ Hiển vốn là người hiền lành và lần cuối cùng, cựu danh thủ Thể Công trực tiếp cầm quân đã cách đây… 26 năm khi dẫn dắt trong một thời gian ngắn đội tuyển Việt Nam dự SEA Games đầu tiên mà bóng đá hội nhập quốc tế trở lại tại Philippines năm 1991 (giờ chót thay HLV quá cố Vũ Văn Tư sau một “scandal”). Không chỉ thiếu kinh nghiệm thực tế, thời gian qua ông Hiển cũng không tham gia lớp tiêu chuẩn, chính quy hóa HLV nào của AFC, FIFA để nâng cao, cập nhật kiến thức huấn luyện bóng đá hiện đại; làm sao “nói” các HLV nghe?

Nhưng nói đi cũng phải nghĩ lại, có lẽ ông Hiển cũng không ham hố gì cái “ghế” này, chẳng qua VFF không tìm được ai khả dĩ vừa xứng đáng mà lại “dễ bảo”. Kinh nghiệm không chỉ trong lĩnh vực bóng đá cho thấy, một tổ chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tập thể thì… chỉ để trang trí cho vui. “Hữu danh vô thực”, không hiệu quả là tất nhiên. Vì vậy hết nhiệm kỳ này nên giải tán Hội đồng HLV quốc gia, thay vào đó chỉ cần một ban chuyên môn của VFF thật mạnh với những người thực sự có trình độ, tâm huyết, dám chịu trách nhiệm; dưới sự điều hành, lãnh đạo trực tiếp của giám đốc kỹ thuật nước ngoài (ông Jurgen Gede hiện chỉ đi theo cố vấn các đội tuyển trẻ, rất lãng phí). Đây là nơi phải vạch ra và thực hiện chiến lược phát triển của cả nền bóng đá mà trong đó công tác đào tạo, tuyển chọn, định hướng, theo dõi HLV các đội tuyển quốc gia chỉ là một bộ phận.

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,158,760       687