Bóng bàn từng là môn thể thao rất được yêu thích và là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Trước năm 1975 các tên tuổi Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu, Trần Cảnh Đến, Huỳnh Văn Ngọc... từng làm mưa làm gió ở đấu trường châu Á và cả thế giới (đồng hạng 3 cùng Trung Quốc ở Giải vô địch thế giới tại Tây Đức 1959).
Ở Đông Nam Á, ngay kỳ SEA Games đầu tiên (tiền thân của SEA Games) vào năm 1959 ở Thái Lan, 3 tay vợt Trần Cảnh Được, Trần Cảnh Đến, Huỳnh Văn Ngọc đã đoạt HCV đồng đội nam.
Bóng bàn đồng đội nam Việt Nam giành HCV lịch sử ở SEA Games. Ảnh: VTV |
Sau khi hội nhập trở lại, bóng bàn cũng đã giành gần như đủ bộ các chức vô địch SEA Games: đơn nam (Vũ Mạnh Cường 1995, 2001, Trần Tuấn Quỳnh 2003), đôi nam (Kiến Quốc - Quang Linh 2009), đôi nam - nữ (1997), đồng đội nữ (1991). Tuy nhiên đồng đội nam, nội dung danh giá nhất thì vẫn lẩn tránh. Đặc biệt, suốt từ năm 2003, với chính sách nhập tịch các cây vợt từ cường quốc bóng bàn Trung Quốc, Singapore luôn độc chiếm. Thế nhưng tại SEA Games này, bóng bàn Việt Nam đã làm nên cơn địa chấn, lật đổ sự thống trị ấy.
3 người hùng làm nên chiến công là Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú và Đoàn Bá Tuấn Anh. Ở trận chung kết đồng đội nam với nhà ĐKVĐ Singapore, dù Quang Linh thất bại trước tay vợt vô địch đơn nam Gao Ning 1-3 ngay trận đơn đầu tiên, nhưng không hề nao núng, Anh Tú đã vượt qua Clarence Chew đúng bằng tỷ số để san hòa 1-1. Ở trận đôi, Tuấn Anh và Quang Linh lại xuất sắc thực hiện cuộc lội ngược dòng đánh bại cặp HCV đơn nam Gao Ning - Pang Xue Jie với tỷ số nghẹt thở 3-2 dù bị dẫn trước 2-1. Ở trận thứ 4, Anh Tú đánh dấu ngày thăng hoa khi buộc Pang Xue Jie gác vợt sau 3 set chóng vánh. Tuyển Việt Nam thắng chung cuộc 3-1. Sau 58 năm, chiếc HCV SEA Games đồng đội nam mới quay lại với bóng bàn Việt Nam.
Phương Duy (từ Malaysia)