Thể thao

Đoàn thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu tối thiểu

Sau khi giành 51 HCV trong ngày thi đấu 26-8, chính thức vượt chỉ tiêu tối thiểu đặt ra 49 HCV, trưa 27-8, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 Trần Đức Phấn và một số HLV, VĐV tiêu biểu có cuộc gặp gỡ trao đổi với báo chí nước nhà ngay tại Malaysia.

Trường đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn tại cuộc gặp gỡ báo chí ở Malaysia.
Trường đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn tại cuộc gặp gỡ báo chí ở Malaysia.

Với thành tích 17 HCV, 11 HCB và 6 HCĐ (gấp đôi số HCV so với đoàn thứ nhì là Thái Lan) tại SEA Games 29, điền kinh tiếp tục là “mỏ vàng” số 1 của đoàn thể thao Việt Nam. Trưởng đoàn Trần Đức Phấn thông báo, đội tuyển điền kinh được liên đoàn và nhà tài trợ thưởng riêng 1,1 tỷ đồng.

Lần đầu tiên tham dự nhưng đã ghi tên mình vào lịch sử là VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên giành được 3 HCV tại một kỳ SEA Games, trong đó có 2 cự ly danh giá nhất: 100m và 4x100m nữ, có mặt tại cuộc họp báo “nữ hoàng tốc độ” mới Lê Tú Chinh cho biết tham vọng của cô là sẽ có huy chương tại Asiad 2018.

Bơi lội cũng có kỳ SEA Games thứ 2 liên tiếp là đội tuyển giàu thành tích thứ 2 của đoàn thể thao Việt Nam với 10 HCV, 7 HCB và 6 HCĐ (vượt so với 2 năm trước tại Singapore là 10 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ). Trong đó nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giữ vững phong độ, lập lại thành tích 8 lần bước lên bục cao nhất cùng 2 HCB, phá 4 kỷ lục, là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 2017 (năm nay nhà vô địch Olympic của Singapore Joseph Schooling chỉ đoạt 6 HCV mà phân nửa là ở nội dung đồng đội). Tuy nhiên Ánh Viên cho biết cô vẫn không thật sự hài lòng với bản thân vì không đạt 10 HCV như dự tính. Dù vậy cô cảm thấy nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ, nhất là sau những ngày đầu tiên rất lo lắng vì thất bại ở nội dung 200m bướm. “Cảm ơn thầy Tuấn luôn là nguồn động lực giúp tôi cố gắng, cám ơn các bác lãnh đạo đã quan tâm ủng hộ tôi, và đặc biệt cảm ơn ba mẹ của tôi vì đã luôn ở phía sau ủng hộ tôi. Gia đình luôn là số một với tôi” - VĐV là Đại úy quân đội 21 tuổi bày tỏ.

Không giành được HCV nhưng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng có mặt tại cuộc trao đổi để... giải thích về thất bại khó hiểu của mình. Một lần nữa anh khẳng định nguyên nhân là do sức ép tâm lý của nhà vô địch Olympic buộc phải có vàng SEA Games khi trở về quá nặng nề. Hơn nữa kỳ SEA Games này, chủ nhà Malaysia cắt giảm nhiều nội dung, trong đó có những nội dung đồng đội, khiến gánh nặng thành tích càng dồn lên vai khiến tâm lý của anh thêm nặng nề hơn. “Nhưng dù có nói thế nào đi nữa, tôi đã không thể vượt qua được chính mình, phong độ của tôi không hề tốt. Tôi rất xin lỗi người hâm mộ vì chưa hoàn thành được nhiệm vụ. Thất bại này giúp tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm” - xạ thủ 43 tuổi giãi bày.

Hoàng Xuân Vinh cũng thừa nhận thành tích HCV, phá kỷ lục Olympic và  HCB 10m và 50m súng ngắn hơi ở Olympic Rio 2016 (nhưng tại SEA Games 29 chỉ giành 1 HCB ở 2 nội dung sở trường này) của anh có phần bất ngờ, đột biến, không đồng nghĩa đã đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn tiếp lời, tuy bắn súng thất bại nhưng vẫn là môn thể thao quan trọng hướng đến Asiad, Olympic cũng như bắn cung (cũng thất bại tại SEA Games 29 khi chỉ giành 1 HCV (so với 2 tại SEA Games 28), trong đó HCV 2 kỳ SEA Games liên tiếp Nguyễn Tiến Cương và nhà vô địch châu Á Lộc Thị Đào chỉ có HCĐ).

Về thất bại của đội tuyển bóng đá U.22 nam, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nói: “Đây là nỗi buồn của cả đoàn thể thao Việt Nam và người hâm mộ cả nước nói chung. Sau khi về nước Tổng cục TDTT, VFF và các nhà chuyên môn, Ban huấn luyện sẽ họp đánh giá, rút kinh nghiệm”. Ông Phấn cũng cho biết: “U.22 Việt Nam và đội tuyển bóng đá nữ đều ở chung khách sạn cùng với lãnh đạo đoàn nên tôi cảm nhận được nỗi buồn các cầu thủ nam. Một đội đoạt HCV, một đội không vào được bán kết, rất buồn”.

Trường Xuyên

(từ Kuala Lumpur)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,156,180       502