Ra đời từ năm 1959 với tên gọi chung là Giải bóng đá trẻ châu Á được tổ chức hàng năm, phải đến kỳ giải thứ 35 vào năm 2008 tại Saudi Arabia, theo sự thay đổi hệ thống thi đấu chung của FIFA, AFC mới chính thức định hình đây là sân chơi dành cho lứa tuổi U.19 diễn ra 2 năm một lần, đồng thời xác định 4 suất đại diện lục địa vàng tham dự giải U.20 thế giới vào năm sau.
Qua 4 VCK chính thức mang tên U.19 châu Á, mới có 2 quốc gia Đông Nam Á vào bán kết và giành quyền dự World Cup U.20 là U.19 Myanmar và Việt Nam. Nhưng không phải vô cớ mà AFC và làng cầu châu Á ngợi khen, đánh giá chiến tích của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cao hơn hẳn. 2 năm trước Myanmar là chủ nhà, được đầu tư lớn và hưởng lợi rất nhiều (chỉ ở bảng đấu có Thái Lan, Yemen); trong khi để lọt vào 4 đội mạnh nhất, U.19 Việt Nam đã lần lượt bước qua đương kim á quân Triều Tiên (3 lần vô địch), UAE (vô địch 2008), Iraq (5 lần đăng quang) và chiến thắng oanh liệt chủ nhà Bahrain.
Tiền đạo trụ cột Đức Chinh (phải) sẽ không thể thi đấu ở trận bán kết với Nhật Bản. |
Đêm nay là ngọn núi Phú Sĩ: U.19 Nhật Bản. Câu chuyện cổ tích trên đất Bahrain sẽ được viết tiếp?
Khó, rất khó! Cho đến lúc này, các cầu thủ trẻ xứ Phù tang là ứng cử viên số 1 của chức vô địch khi cùng với Saudi Arabia là đội ghi nhiều bàn thắng nhất (10 bàn) và duy nhất chưa để thủng lưới một lần nào. Cứ nhìn cái cách ở tứ kết họ nuốt chửng gọn ghẽ U.19 Tatjikistan 4-0 (đội bóng từng hòa 0-0 với U.19 Việt Nam trong trận giao hữu tại Qatar trước thềm VCK) thì biết. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ phải đối mặt với một đối thủ kỹ thuật, tốc độ, dẻo dai và đa dạng trong lối chơi (chứ không dễ “bắt bài” như U.19 Bahrain). Đáng chú ý, từng có đến 14 lần vào bán kết, nhưng Nhật Bản lại chưa một lần nước bước lên ngôi cao nhất ở sân chơi này (6 lần á quân, 4 lần hạng 3). Chính vì vậy, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản rất quyết tâm, đầu tư rất kỹ cho giải đấu năm nay. Trước VCK, Nhật Bản đã tham dự đến 3 giải giao hữu quốc tế, trong đó từng thắng U.19 Croatia 5-0, hòa U.19 Brasil 2-2 và chỉ thua sít sao U.19 Czech 1-2, Mexico 2-3. Chỉ phải gặp đối thủ yếu nhất ở vòng bán kết là U.19 Việt Nam, được coi là thời cơ để thầy trò HLV Uchiyama làm nên lịch sử.
Từ năm 2010 đến nay, U.19 Việt Nam đã 5 lần đối đầu với đối thủ Đông Á này và chưa một lần giành thắng lợi, để thủng lưới đến 18 bàn và chỉ ghi được 3 bàn thắng. Gần nhất, tại Giải U.19 Đông Nam Á 2014 trên sân Mỹ Đình mà U.19 Nhật Bản là khách mời, lứa “U.19 vàng” của HAGL thua 2-3 ở vòng bảng và 0-1 ở trận chung kết; đến VCK châu Á sau đó ở Myanmar lại nhận thất bại 1-3. Chứng nhân và người góp phần 3 lần đánh bại Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... 2 năm trước ấy chính là thủ quân của U.19 Nhật Bản hiện tại: Daisuke Sakai (ngày đó tiền vệ đang chơi ở Jeague 2 này mới 17 tuổi), ngoài ra còn có hậu vệ Fujitani So (2) cùng HLV Uchiyama (khi ấy là trợ lý).
Trong khi đó, đêm nay U.19 Việt Nam sẽ mất tiền đạo từng đá chính cả 3 trận vòng bảng Hà Đức Chinh (do tại VCK năm nay AFC quy định chỉ “xóa” thẻ sau vòng tứ kết, thay vì vòng bảng nên chiếc thẻ vàng mới nhất của Đức Chinh ở phút bù giờ trận gặp Bahrain bị cộng với thẻ vàng trong trận đầu tiên với Triều Tiên). Lợi thế duy nhất của U.19 Việt Nam trước đối phương chỉ là có hơn 1 ngày nghỉ. U.19 Việt Nam hẳn nhiên sẽ tiếp tục thế trận phòng ngự chặt chẽ; còn ở mặt trận phản công, ngoài Trần Thành đã thay vai thành công Đức Chinh ở trận tứ kết, chúng ta vẫn còn một quân bài giấu trong tay áo là tiền đạo trẻ của B.Bình Dương: Nguyễn Tiến Linh. Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede và HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ có “bài” gì để khắc chế sức mạnh và đẳng cấp của người Nhật?
Từ đầu VCK cho đến giờ, U.19 Việt Nam là câu chuyện điển hình của việc “không gì là không thể”. Với sự thăng hoa, hưng phấn của người đã làm nên lịch sử, cầm chắc danh hiệu đồng hạng 3; với tâm lý hoàn toàn thoải mái trong trận cầu tất tay mà chỉ có được, được lớn, tuyệt nhiên không gì để mất; biết đâu thầy trò Hoàng Anh Tuấn lại viết tiếp câu chuyện cổ tích trên xứ Trung Đông? Chẳng ai đánh thuế giấc mơ!
Đông Kha