Thể thao

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn"

Tại Mito Hollyhock ở J.League 2, Công Phượng mới có 4 lần vào sân và không lần nào đá trọn vẹn cả trận, trong đó có tới 3 lần chỉ thi đấu vài phút cuối. Xuân Trường chỉ mới duy nhất có một trận ra sân đá chính cho Incheon United ở K.League Classic với vỏn vẹn 59 phút.

Lee Dong Jun (trái), người đại diện của Xuân Trường ở CLB Incheon United, chia vui với Xuân Trường sau trận đấu với Triều Tiên tối 6-10.
Lee Dong Jun (trái), người đại diện của Xuân Trường ở CLB Incheon United, chia vui với Xuân Trường sau trận đấu với Triều Tiên tối 6-10.

Tuấn Anh còn thất vọng hơn khi sau gần 1 năm khoác áo Yokohama anh vẫn chưa có một phút được ra sân, thậm chí chỉ duy nhất một trận ở J.League 2 có tên trong danh sách dự bị, cùng một trận đấu tại Cúp Hoàng đế Nhật Bản (mang về quả penalty và ghi bàn ấn định tỷ số 3-2 cho đội nhà).

Chính vì vậy, trước chuyến về nước tham gia trận đấu với Triều Tiên, đã có không ít ý kiến nghi ngại về phong độ, cảm giác thi đấu của bộ 3 HAGL đi “du học” mà chỉ “học chay” này. Tuy nhiên, với năng khiếu trời ban, nền tảng cơ bản được đào tạo khoa học, kỹ lưỡng, cùng những tiếp thu từ môi trường bóng đá tiên tiến, họ đã xóa tan tất cả. Đúng là thực tế cặp tiền vệ trung tâm Xuân Trường, Tuấn Anh cũng phải mất đến hơn 20 phút mới có thể bắt nhịp, hòa nhập; nhưng sau đó đã đưa tuyển Việt Nam thăng hoa. Xuân Trường trong vai trò nhạc trưởng, cầm trịch với 1 bàn thắng và 1 pha làm bóng có thể đi vào sách giáo khoa bóng đá, đã có một trận đấu gần như hoàn hảo. Tuấn Anh cũng ghi dấu ấn bằng một tuyệt phẩm. Vai trò Công Phượng có phần lu mờ hơn bởi bị so sánh với các đồng môn, nhưng cần thấy rằng Phượng chỉ có 20 phút cuối để thể hiện và anh đã rất nỗ lực: di chuyển liên tục, tự tin cầm bóng đột phá, có tình huống loại bỏ 3-4 hậu vệ đối phương. Công Phượng vẫn cho thấy kỹ thuật cá nhân xử lý trong không gian hẹp là số 1 ở tuyển Việt Nam hiện tại.

Sau một năm gần như không chơi bóng cùng nhau, nhưng khi tác hợp lại, “những đứa trẻ nhà bầu Đức” vẫn hiểu nhau như thể chân với tay. Từ các bước di chuyển, quan sát, nhận, phất, tỉa bóng, chọc khe cũng như dứt điểm. Rõ ràng, chất lượng đào tạo của “lò” HAGL Arsenal JMG khác biệt rất lớn so với các sản phẩm của hệ thống đào tạo trẻ trong nước còn lại.

Sau chiến thắng ấn tượng trước Triều Tiên, tiền vệ Than QN Nghiêm Xuân Tú, người không may lỡ hẹn trong lần đầu tiên lên tuyển đợt này, đã viết trên facebook của mình: “Xem lại Tuấn Anh - Xuân Trường đá mà “phê”. Bóng đá cũng như cuộc sống, bạn sống ở một xã hội văn minh thì con người bạn ít nhiều cũng được hưởng và phát triển theo những văn minh đó. Chưa cần biết có được ra sân thường xuyên và có đất diễn bên xứ người hay không, nhưng cứ được sinh hoạt hàng ngày và tập luyện cùng những cầu thủ và môi trường đẳng cấp hơn đã là cơ hội quý”.

“Đi ngày đàng, học sàng khôn”, rõ ràng quá trình 9 tháng ăn tập tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng trưởng thành hơn rất nhiều. Tiến bộ thấy rõ nhất là thể lực, sức mạnh tranh chấp, yếu tố mà U.19 HAGL trước đây rất “mong manh”. Được thường xuyên tiếp xúc, hít thở bầu không khí chuyên nghiệp, đẳng cấp cao nên phong thái chơi bóng của các em cũng tự tin, đĩnh đạc hơn lên rất nhiều. Yếu tố kỹ, chiến thuật, khả năng xử lý, dứt điểm, đặc biệt là tư duy chơi và phát triển bóng đều được nâng tầm, hoàn thiện.

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,162,247       99