Thể thao

Ngày mai 7-9, khai mạc Paralympic Rio 2016: Chờ huy chương lịch sử đầu tiên

Kình ngư khuyết tật Võ Thanh Tùng từng cho biết chính kỳ tích giành 8 HCV cùng phá 8 kỷ lục tại SEA Games 28-2014 và 2 HCĐ tại Asian Games 2014 của Nguyễn Thị Ánh Viên đã là tấm gương để anh nỗ lực đoạt 5 HCV trên đường đua xanh Asian Para Games cùng năm.

Giờ đây tấm HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 sẽ là nguồn động lực to lớn để Thanh Tùng và các VĐV của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đặt mục tiêu mang về tấm huy chương đầu tiên tại Paralympic Rio 2016.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (bìa trái) thăm hỏi, động viên các vận động viên khuyết tật thi đấu tốt tại Paralympic 2016.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (bìa trái) thăm hỏi, động viên các vận động viên khuyết tật thi đấu tốt tại Paralympic 2016.

Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) được tổ chức lần đầu tiên tại Roma, Italia 1960, nhưng phải đến năm 2000 tại Sydney (Australia) Việt Nam mới lần đầu tiên tham dự (với vỏn vẹn 2 VĐV) và trải qua 4 kỳ Paralympic: Athens 2004, Bắc Kinh 2008, London 2012, thể thao người khuyết tật Việt Nam vẫn chưa thể vươn tới huy chương. Nhưng Paralympic Rio 2016 sẽ là một tư thế khác hẳn. Không chỉ là con số VĐV tranh tài đông kỷ lục (11 VĐV tham gia thi đấu 3 môn bơi, cử tạ, điền kinh), được đầu tư tốt nhất từ trước tới nay, mà chúng ta còn đến Brasil với những nhà vô địch, nắm giữ kỷ lục thế giới, châu Á. 2 năm trước tại Asian Para Games 2014 ở Incheon, Hàn Quốc, với 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, lần đầu tiên đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam lọt vào tốp 10 châu Á. Đó là cơ sở, tiền đề cho hy vọng chưa bao giờ thể thao người khuyết tật Việt Nam lại tự tin giành huy chương lớn như kỳ Paralympic này. Không phải vô cớ mà trước giờ lên đường lãnh đạo đoàn mạnh dạn tuyên bố: “Chúng ta đến với Olympic năm nay không chỉ để học hỏi nữa mà tham dự để giành huy chương.”

Nếu ở Olympic Rio niềm hy vọng giành huy chương chỉ tập trung chủ yếu vào 2 gương mặt: Thạch Kim Tuấn (cử tạ) và Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), thì hứa hẹn sẽ làm nên lịch sử ở Paralympic là một loạt những cái tên: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Cao Ngọc Hùng, Võ Thanh Tùng... Niềm tin lớn nhất là lực sĩ Lê Văn Công ở hạng cân 49kg, khi tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc anh từng nâng thành công mức tạ 186kg, phá kỷ lục thế giới (hơn  3kg so với VĐV Yakubu người Nigeria, đối thủ cạnh tranh với Công nhiều năm nay). Ở hạng cân dưới 54kg,  Nguyễn Bình An cũng chạm mốc tạ 184kg (chỉ kém thành tích thế giới của VĐV Malaysia 5kg). HLV Nguyễn Hồng Phúc của đội tuyển cử tạ tự tin: “Lê Văn Công được đánh giá có tâm lý vững và hy vọng em sẽ phát huy được khả năng ở Paralympic để làm nên lịch sử cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. So với Công thì tâm lý của Bình An không vững vàng bằng, nhưng nếu giữ được mức đó, Bình An cũng có HCB Paralympic”.

Sau cử tạ, điền kinh cũng được mong đợi sẽ giành huy chương với cái tên sáng giá nhất là Cao Ngọc Hùng ở nội dung ném lao. Tại giải thể thao người khuyết tật Việt Nam toàn quốc 2016, Ngọc Hùng đã đạt thành tích 41,71m, phá kỷ lục của chính anh tại giải vô địch điền kinh châu Á - Đại dương Dubai 2016, giải đấu mà anh đã giành HCV với thành tích 40,98m...

Thật cảm phục trước lời khẳng định của một thành viên đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam: “Người thường không dám đặt mục tiêu huy chương nhưng thể thao khuyết tật thì dám nhận sẽ có huy chương ở Olympic lần này”. Vâng, từ niềm cảm hứng Hoàng Xuân Vinh, từ nghị lực vượt khó phi thường của người khuyết tật Việt Nam, chúng ta có cơ sở để chờ đón tin vui từ Paralympic Rio 2016.

Trần Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,190,026       67