Thể thao

Trọng tài: Chuyện dài "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"!

Trong những phát biểu của giới có trách nhiệm, người trong cuộc về sai lầm nghiêm trọng của trọng tài Hà Anh Chiến ở trận Thanh Hóa - SLNA, người viết đặc biệt chú ý đến ý kiến của ông Đoàn Phú Tấn, giám sát trọng tài trận đấu này.

Trọng tài Hà Anh Chiến (giữa).
Trọng tài Hà Anh Chiến (giữa).

Nói “đặc biệt”, bởi lẽ ông Tấn cũng từng là Phó ban trọng tài VFF (sau khi “lật đổ” ông Nguyễn Văn Mùi thời còn Hội đồng Trọng tài quốc gia), là thầy đứng lớp của nhiều lứa trọng tài và đây là lần đầu tiên một giám sát - những người được coi là “ngồi mát ăn bát vàng” nhưng không bao giờ dám nói lên chính kiến, thể hiện công khai nhận xét của mình, nhất là về “người nhà”.

Nhưng ông Tấn cũng chẳng phải không có tì vết. Còn nhớ ở mùa giải 2013, với nghi án trọng tài Đinh Hải Dương, trợ lý Phạm Đắc Chiến, Đỗ Mạnh Hà và trọng tài Kiều Việt Hùng nhận 100 triệu đồng sau trận Thanh Hóa - HAGL 1-0 (lại Thanh Hóa là chủ nhà) tại vòng 3, Phó ban trọng tài Đoàn Phú Tấn (cùng với Trưởng ban Dương Vũ Lâm) bị VFF đình chỉ nhiệm vụ vì cho rằng đã cố tình ém nhẹm, bao che cho các học trò. Công an đã vào cuộc và C45 kết luận “không có bằng chứng”, ông Tấn liền lập tức đáp trả: “Đây là sự bịa đặt, ngụy tạo, lợi dụng tình huống để tước đoạt, triệt hạ nhau của người trong nhà”. Đó là mùa giải mà Ban trọng tài dù chỉ có 4 thành viên nhưng mất đoàn kết nghiêm trọng. Vì ông Dương Vũ Lâm là người “ngoại đạo”, Phó ban Đoàn Phú Tấn được cho rằng chuyên quyền, thao túng tất cả việc phân công trọng tài, khiến các trọng tài rất “sợ” (lời của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khi ấy). Thậm chí, ngày đó người viết còn được người trong giới “mật báo” tin ông Tấn cùng các đệ tử đi ăn nhậu cùng đội chủ nhà tại nhà hàng nào ngay đêm trước ngày diễn ra trận đấu (điều bị nghiêm cấm). Do đó, không lạ nếu như nghi án các trọng tài nhận 100 triệu đồng hồi ấy đã được một phe tạo dựng để cài bẫy, hạ bệ ông Đoàn Phú Tấn (và đã thành công khi sau đó ông Nguyễn Văn Mùi trở lại ghế trưởng ban, còn ông Tấn “bật bãi” luôn phải đi làm giám sát). Lần này thì đến lượt ông “mượn gió bẻ măng” phản kích.

Tuy nhiên, phát biểu của ông Đoàn Phú Tấn rất đáng xem xét: “Ban trọng tài phải tạo điều kiện (cho các trọng tài) phát triển một cách công bằng, dân chủ. Nếu trọng tài giỏi, bản lĩnh mà cô độc thì cũng không thể phát triển, còn nếu anh ta chỉ sai vài trận, sẽ bị nâng quan điểm làm to chuyện lên, ngưng trệ sự nghiệp. Ngược lại, nếu trọng tài quan hệ tốt, sai sót vẫn có thể được xí xóa, làm nhẹ hóa với đủ phương pháp”. Chuyện trọng tài bóng đá Việt Nam muốn tồn tại, phát triển, muốn được phân công cầm còi (hoặc cờ) thường xuyên phải có dây có cánh, chưa đến mức chung chi nhưng phải “biết điều”  với các “anh trên” là thực tế tồn tại lâu nay như “luật bất thành văn”, trong giới các “vua” ai cũng biết nhưng không ai dám nói. Có chuyện trước đây một vị giám sát có máu đỏ đen, trong những chuyến đi đến các địa phương nhiệm vụ của tổ trọng tài đi cùng là phải thù tiếp ông, và tất nhiên là có nghĩa vụ phải thua. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ngày nào ngôi nhà của giới cầm cân nảy mực trên sân cỏ Việt còn chưa công minh, “sạch sẽ” thì trọng tài còn là câu chuyện dài “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!

Minh Chung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        957,761       1,059