Thể thao

Trọng tài đã cướp chiến thắng của SLNA ra sao?

Trong 3 trận đấu muộn chiều chủ nhật 8-5 có đến 2 sai sót của trọng tài liên quan trực tiếp đến bàn thắng.

Trận HN T&T - Hải Phòng, phút 25 trung vệ nhập tịch Lê Văn Phú của Hải Phòng phá bóng khi bóng đã qua vạch cầu môn, nhưng cả trọng tài Nguyễn Hiền Triết lẫn trợ lý đều không kịp thấy nên không công nhận bàn thắng cho Hải Phòng. HN T&T không phản ứng và người ta có thể thông cảm cho lỗi nhận định của trọng tài vì đây là tình huống lộn xộn, có rất đông cầu thủ 2 đội và diễn ra rất nhanh và bóng đá Việt Nam chưa có công nghệ Goal-Line. Nó khác hẳn sai lầm của trọng tài Hà Anh Chiến trong trận Thanh Hóa - SLNA. Trọng tài Hà Anh Chiến đã đón nhận phản ứng dữ dội do phạm một lỗi rất nặng, rất nghiêm trọng, không chỉ làm thay đổi kết quả cả trận đấu mà còn ảnh hưởng đến các đội khác và cục diện giải (nếu không có bàn gỡ giật lại 1 điểm, sau vòng 9 B.Bình Dương mới là đội hạng nhì chứ không phải Thanh Hóa, và với chiến thắng SLNA sẽ qua mặt Quảng Nam chiếm vị trí thứ 10).

Các cầu thủ SLNA (áo trắng) phản ứng quyết định của trọng tài Hà Anh Chiến.
Các cầu thủ SLNA (áo trắng) phản ứng quyết định của trọng tài Hà Anh Chiến.

Sai lầm của trọng tài là một phần của cuộc chơi mà những người trong cuộc - các đội bóng, phải chấp nhận, nhưng không thể chấp nhận khi sai lầm ấy có vấn đề tư tưởng, qua những biểu hiện sau:

- Tình huống va chạm giữa Đình Hoàng và Omar diễn ra ngoài vùng cấm rất rõ ràng, chính xác là ở vòng cung trước vòng 16,50m.

- Pha cản người không bóng của hậu vệ SLNA là không nặng, không đáng để phải phạt đền.

- Trọng tài (và cả trợ lý) đều có vị trí quan sát hoàn toàn thuận lợi.

- (Thế nhưng) trọng tài Hà Anh Chiến đã hết sức nhanh nhảu và dứt khoát chỉ tay vào chấm 11m, cứ như chỉ chờ có vậy.

- Thời điểm phạt penalty là hết sức nhạy cảm (phút 89), tức sẽ quyết định số phận trận đấu (nếu SLNA là chủ nhà ông Chiến có dám thổi?).

Có một thông lệ, không chỉ thiên về chủ nhà mà đa phần những sai lầm của trọng tài đều luôn có lợi cho những “đại gia”, đội bóng nhà giàu, có số má và có thứ hạng cao và phần thiệt thòi luôn thuộc về những kẻ nhà nghèo, “thấp cổ bé miệng”, không tham vọng. Cần nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên trọng tài Hà Anh Chiến có những quyết định gây tranh cãi, khiến dư luận phẫn nộ liên quan đến Thanh Hóa. Mới mùa trước, trong trận Thanh Hóa - HAGL, ông cũng công nhận bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 cho đội chủ nhà của Hoàng Đình Tùng khi tiền đạo này trước đó đã để bóng chạm tay. Trận đấu bị gián đoạn khá lâu, nhưng cuối cùng trọng tài Chiến vẫn công nhận bàn thắng và đuổi trưởng đoàn HAGL lên khán đài.

VFF, VPF và Ban trọng tài luôn dùng chiêu bài “trọng tài cũng là con người” để biện hộ mỗi khi người của mình mắc sai lầm. Vậy thì phản ứng vì uất ức của SLNA cũng cần được nhìn dưới góc độ vì họ cũng là con người (HLV Lê Thụy Hải từng hỏi ngược “thế chúng tôi không là người à?”). Đây là yếu tố mà Ban Kỷ luật VFF cần công tâm xem xét khi quyết định kỷ luật HLV Ngô Quang Trường và SLNA để tránh “án chồng án”, “oan chồng oan”. Có một chi tiết khá thú vị, chính 2 cầu thủ nổi tiếng nóng nảy, “bặm trợn” là Quế Ngọc Hải và Phạm Mạnh Hùng lại là người can ngăn các đồng đội “nói chuyện” với trọng tài sau trận đấu.

Minh Chung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        957,761       1,058