Bạn đọc

Có lộ trình trong đổi giấy tờ nhân thân

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về việc làm lại giấy tờ nhân thân cho người dân của các địa phương có điều chỉnh địa giới hành chính hoặc nâng cấp từ xã lên phường, thị trấn, Thượng tá Nguyễn Văn Phục, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết:

Tại các điểm cấp CMND, điều chỉnh hộ khẩu, chính quyền địa phương còn bố trí người hỗ trợ người cao tuổi viết tờ khai. Ảnh: G. An
Tại các điểm cấp CMND, điều chỉnh hộ khẩu, chính quyền địa phương còn bố trí người hỗ trợ người cao tuổi viết tờ khai. Ảnh: G. An

- Đối với CMND, nếu thấy thuận tiện hoặc trong trường hợp CMND hết hạn sử dụng, thật sự có nhu cầu thì người dân mới cần làm thủ tục cấp đổi; trong trường hợp không cấp đổi mà để nguyên CMND như cũ cũng không ảnh hưởng gì.

* Thưa Thượng tá, việc thay đổi các giấy tờ nhân thân đối với các địa phương có thay đổi địa giới hành chính, các xã được nâng cấp lên phường, thị trấn đã được cơ quan chức năng triển khai ra sao?

- Thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các địa phương có thay đổi địa giới hành chính, nâng cấp xã lên phường, thị trấn, ngay từ đầu tháng 6-2019, Công an tỉnh đã có công văn chỉ đạo công an các địa phương như: Nhơn Trạch, Thống Nhất, Long Thành, Biên Hòa và Long Khánh phối hợp với phòng văn hóa - thông tin các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết các quy định về hồ sơ, thủ tục, trình tự thực hiện việc cấp đổi CMND, điều chỉnh sổ hộ khẩu.

Song song đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo cảnh sát quản lý hành chính công an các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất khi người dân làm các thủ tục điều chỉnh địa danh hành chính mới trong sổ hộ khẩu và giấy CMND. Công an cấp huyện có kế hoạch đến từng địa bàn dân cư để thực việc việc cấp đổi, điều chỉnh giấy tờ cho người dân.

* Nếu không điều chỉnh sổ hộ khẩu và cấp đổi CMND thì các giấy tờ cũ có hiệu lực sử dụng không, thưa Thượng tá?

- Không phải thay đổi địa danh là buộc mọi người phải đồng loạt đi đổi các loại giấy tờ. Việc thay đổi, điều chỉnh là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình để thực hiện. Theo quy định khi điều chỉnh địa danh, sáp nhập địa giới hành chính, tất cả loại giấy tờ cũ của người dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. Do đó, người dân cũng không nên quá lo lắng mà đổ xô đi làm thủ tục thay đổi giấy tờ nhân thân vào thời điểm này đang quá đông đúc.

* Trước nhu cầu điều chỉnh, cấp đổi giấy tờ nhân thân rất lớn, cần những giải pháp nào khác để giải quyết cho người dân nhanh chóng, hiệu quả, thưa Thượng tá?

- Mặc dù ngành Công an đã chủ động triển khai thực hiện việc điều chỉnh, cấp đổi giấy tờ nhân thân cho người dân, nhưng do số lượng hồ sơ cần điều chỉnh, cấp đổi khá lớn, nên thời gian đầu còn một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với tinh thần vì dân phục vụ, tạo mọi thuận lợi cho người dân làm các thủ tục giấy tờ, chúng tôi sẽ tính toán để có hình thức tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn để công việc diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.

* Xin cảm ơn Thượng tá!

Gia An (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        117,061       23