Bạn đọc

Cơ quan thi hành án dân sự có được từ chối yêu cầu thi hành án?

Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn tồn đọng nhiều việc thi hành án dân sự (THADS) còn chậm thi hành án, khiến không ít người bức xúc, khiếu nại. Một trong những nguyên nhân là do bị cơ quan thi hành án từ chối yêu cầu thi hành án.

Công tác thi hành án dân sự còn gặp khó khăn, vướng mắc do quy định hướng dẫn chưa sát thực tế (Ảnh minh họa)
Công tác thi hành án dân sự còn gặp khó khăn, vướng mắc do quy định hướng dẫn chưa sát thực tế (Ảnh minh họa)

Đến tháng 9-2019, toàn ngành THADS tỉnh thụ lý hơn 29,6 ngàn việc, trong đó số việc cũ tồn của năm 2018 chuyển sang là trên 12 ngàn việc. Nguyên nhân, số vụ việc tồn từ năm này sang năm khác và được xếp vào loại án, việc chưa có điều kiện thi hành là do đối tượng bị thi hành án không có tài sản, tài sản có liên quan tới bên thứ ba, tài sản bán đấu giá chưa có người mua... Ngoài ra, có một nguyên nhân nữa là do quy định trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật THADS chưa sát với thực tiễn.

* Căn cứ từ chối thi hành án

Không chỉ tại Đồng Nai mà tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi Khoản 4, Điều 7, Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu cho biết, tại Điểm a, Khoản 5, Điều 31 Luật THADS quy định, cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án trong 3 trường hợp: người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự. Cơ quan THADS được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án. Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 7, Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (gọi tắt Nghị định 62) lại quy định: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành.

Đại diện một số cơ quan THADS của tỉnh cho rằng, với quy định tại Nghị định 62, một vụ việc bị cơ quan THADS từ chối thi hành án phải đồng thời đáp ứng và hội đủ 2 điều kiện: bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành. Điều này không cần thiết, gây khó khăn vướng mắc trong công tác THADS. Trên thực tế, vẫn còn nhiều bản án, quyết định của tòa đã rõ nghĩa vụ phải thi hành án nhưng chưa rõ người phải thi hành án nên cơ quan THADS không được từ chối thi hành án. Tuy nhiên, nếu tiếp nhận vụ việc thì không tổ chức thi hành án được vì không xác định được đối tượng có nghĩa vụ phải thi hành án.

Cụ thể như trong một vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến xử lý tài sản thế chấp, bản án của Tòa án nhân dân huyện Tân Phú tuyên bà N.T.N. (ngụ xã Phú Bình, huyện Tân Phú) được bồi thường số tiền 500 triệu đồng nhưng bản án không xác định rõ đối tượng có trách nhiệm bồi thường cho bà N. Do đó, cơ quan THADS huyện Tân Phú không thể xác định được đối tượng phải có nghĩa vụ thi hành án cho bà N. nên không thi hành án được, khiến vụ việc kéo dài suốt 3 năm nay.

* Cần sửa quy định

Trước thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 62 phải sửa đổi theo hướng chỉ cần quy định một tiêu chí “không xác định được người phải thi hành án” hoặc “không xác định được nghĩa vụ phải thi hành án” là đủ điều kiện để cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án. Có như vậy mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết, kéo giảm các việc THADS còn tồn đọng như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Khoản 4, Điều 7, Nghị định 62 theo hướng cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án khi trong bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án. Việc sửa đổi như vậy sẽ làm rõ hơn, đầy đủ và chi tiết hơn về thủ tục THADS và khả quan trong thực tế.

Theo luật sư Nguyễn Đức, trong thực tế THADS, việc cơ quan THADS, chấp hành viên chỉ cần xác định bản án, quyết định của tòa không xác định cụ thể người phải thi hành án hoặc nghĩa vụ phải thi hành thì dẫn tới việc không thi hành được bản án, quyết định của tòa nên từ chối thi hành án là hiển nhiên. Vì nếu cơ quan THADS, chấp hành viên muốn thụ lý thì phải xác định rõ đối tượng yêu cầu hoặc đối tượng đó có nghĩa vụ như thế nào. Còn không xác định được một trong 2 điều kiện này thì có quyền từ chối là hợp lý.                                                                   

Đoàn Phú

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        123,106       11