Bạn đọc

Những phận người thua thiệt...

Nằm hun hút trong một con hẻm nhỏ gồ ghề đất đá giữa bốn bề sông nước và đồng trống, ông Huỳnh Văn Tuấn (41 tuổi, ngụ xóm Gò Đá, hay còn gọi là xóm Thủy Sản, thuộc KP.4, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) và 4 người con dường như chấp nhận cuộc sống nghèo khó trong suốt thời gian dài...

Hai anh em Huỳnh Văn Tiền và Huỳnh Trần Bé Nga ngồi trên những cây cột, ván gỗ ngày trước ông nội và người cha dựng tạm nhà sàn trên sông để ở, giờ đã sụp đổ
Hai anh em Huỳnh Văn Tiền và Huỳnh Trần Bé Nga ngồi trên những cây cột, ván gỗ ngày trước ông nội và người cha dựng tạm nhà sàn trên sông để ở, giờ đã sụp đổ

Ngồi trước hiên nhà, ông Tuấn nói ngại mời khách vào trong vì gọi là “nhà” nhưng chỉ dựng tạm bằng tôn, không có cửa cũng chẳng có chỗ đi vệ sinh. Ngay nơi ngủ của con gái 15 tuổi và 2 em nhỏ chỉ được che chắn sơ sài bằng vật liệu cũ.

* Những đứa trẻ bị thiệt thòi...

Năm 1994, ông Tuấn khi ấy 16 tuổi cùng với cha từ phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) về xóm Gò Đá sinh sống. Cả ngày đi làm thuê nên cha con ông Tuấn chỉ dựng tạm túp lều bằng những mảnh gỗ ghép lại để trú ngụ bên nhánh sông Đồng Nai. Nhớ lại thời niên thiếu của mình, ông Tuấn cho biết khi gia đình còn ở phường Bửu Hòa, do hoàn cảnh khó khăn nên bản thân chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ để bươn chải phụ giúp cha mẹ...

Quyết định “di cư” đến nơi ở mới, cha con ông Tuấn mong muốn được yên ổn, làm lụng kiếm tiền lo cho cả gia đình. Cuộc sống ở khu Gò Đá rất đìu hiu vì chung quanh toàn sông, rạch, chẳng có điện, không có nước sạch; hàng xóm chỉ có mấy gia đình ở cách xa, thỉnh thoảng mới gặp nhau. Thời gian bộn bề với cuộc mưu sinh trôi nhanh, ông Tuấn quên luôn mình chưa làm chứng minh nhân dân, lúc nhớ tới liền hỏi cha về giấy khai sinh thì được trả lời giấy đã thất lạc.

Năm 2000 Huỳnh Văn Tuấn lập gia đình. Vì không có giấy tờ “lận lưng”, cũng không có hộ khẩu nên vợ chồng Tuấn không làm giấy kết hôn. Những năm sau đó, lần lượt các con của vợ chồng ông Tuấn chào đời: năm 2001 bé trai Huỳnh Văn Tiến; năm 2004 bé gái Huỳnh Cẩm Tiên; năm 2007 bé trai Huỳnh Văn Tiền; năm 2011 bé gái út Huỳnh Trần Bé Nga. Tất cả 4 người con ông Tuấn đều sinh ở Trạm y tế phường Bửu Hòa và được nơi đây làm giấy chứng sinh. Tuy nhiên, do ông Tuấn thường xuyên đi làm ở lò gạch tận TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước nửa tháng mới về, mọi chuyện nhà do vợ đảm trách nên việc làm giấy khai sinh cho các con không được thực hiện.

Cuộc sống của một gia đình nghèo khó ở vùng hẻo lánh sông nước vẫn tồn tại trong căn nhà sàn trên sông, những đứa trẻ lớn lên theo thời gian mà chẳng nhận biết vì sao mình không được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Khi ông Tuấn kịp nhận ra sơ sót của mình vì không làm khai sinh cho con thì các bé đã lớn, giấy chứng sinh của các cháu bị thất lạc hết.

Ông Tuấn cho hay, những năm trước đã nhiều lần ông đến UBND phường Tân Vạn gặp lãnh đạo và cán bộ chuyên trách xin làm giấy khai sinh cho con để các cháu đi học nhưng đều rơi vào bế tắc vì vướng thủ tục. Lần nào cũng vậy, khi gặp ông Tuấn, người này chỉ sang người kia, cuối cùng ai cũng nói... khó giải quyết vì thời gian sinh 4 cháu đã quá lâu và không có giấy tờ kèm theo. Ông Tuấn đành gác lại mong ước các con được đến trường, không bị mù chữ như cha. Mặt khác, vì kế sinh nhai nên ông không thể thường xuyên nghỉ việc làm ở Bình Phước để đi tới đi lui lo giấy tờ cho các con.

Từ đó, chuyện về một gia đình 5 người không có giấy khai sinh, cả cha và các con đều chẳng biết chữ dần rơi vào quên lãng. “Tết mấy năm trước, có đoàn của phường đi tặng quà hộ nghèo ở đầu xóm. Tôi nghe kể lại rằng có ai đó chỉ xuống gia đình tôi nói còn nghèo hơn nhà họ thì người trong đoàn trả lời, hộ đó mà nghèo gì vì có... xe máy. Nghe nói vậy, đoàn quay trở ra. Thực tế, “ngựa sắt” già nua của tôi chỉ đáng giá vài triệu đồng nhưng đó là phương tiện để tôi đi lại, làm lụng chứ có xe sang gì đâu” - ông Tuấn buồn bã nói.

* Mong manh mái ấm tuổi thơ

Bi kịch còn xảy ra đối với những người con ông Tuấn lúc người mẹ cách đây hơn 2 năm đã lẳng lặng rời xa gia đình và biệt tăm đến tận bây giờ. Từ khi mẹ bỏ đi, còn cha liên tục vắng nhà đi làm xa, việc “cai quản” gia đình được giao cho con trai lớn Huỳnh Văn Tiến. Hằng ngày, 5 giờ sáng Tiến đã phải thức dậy để đi làm tại một cơ sở sản xuất bếp lò than của tư nhân cách nhà vài cây số để kiếm tiền phụ cha nuôi các em. Buổi trưa Tiến tranh thủ tạt qua nhà ăn cơm rồi lại đi ngay tới khoảng 19 giờ mới về.

Căn nhà không có cửa của gia đình ông Huỳnh Văn Tuấn hiện nay. Ảnh: D.ĐỖ
Căn nhà không có cửa của gia đình ông Huỳnh Văn Tuấn hiện nay. Ảnh: D.ĐỖ

Gặp chúng tôi, chàng trai 18 tuổi tỏ vẻ nhút nhát. Tiến thổ lộ, bởi gia cảnh nghèo, bản thân không được đi học nên em rất ngại tiếp xúc với mọi người. Sự thua thiệt so với những người cùng trang lứa khiến Tiến mặc cảm, ít bạn bè. Ở chỗ làm, có một chị nghe Tiến nói không biết chữ liền tranh thủ lúc rảnh dạy em bảng chữ cái, cách ráp vần. Tuy nhiên, “giáo viên” này sau đó chuyển đi nơi khác nên việc học của Tiến lại bỏ dở. Hiện tại, Tiến chỉ biết các mặt chữ, còn ngay tên của mình cũng không đánh vần được.

Giống anh trai, Huỳnh Cẩm Tiên ngày trước cũng được mẹ nhờ người đến nhà dạy chữ, song chỉ được ít tháng thì nghỉ. Tiên khoe biết nhiều chữ hơn anh, có thể đọc được những chữ đơn giản và tên của mình; còn toán thì biết cộng, trừ khi tính tiền đi chợ. Trách nhiệm của Tiên hơn 2 năm qua là thay cha mẹ trông 2 em nhỏ, làm nội trợ. Sinh hoạt, vui chơi thường ngày của 3 chị em chỉ trong khuôn viên nhà và sông, rạch. Buổi tối là thời điểm đáng sợ nhất của Tiên và các em. Dù có anh nằm ngủ ở góc nhà bên ngoài, song những lúc chưa chợp mắt được Tiên đều lo lắng cho bản thân và các em. Bởi nhà không có cửa, nếu kẻ xấu muốn xâm nhập thì quá dễ. Tiên tâm sự, lúc mẹ mới bỏ đi, đêm đêm 3  chị em nằm khóc vì nhớ mẹ và sợ bóng tối khi gió rít từ ngoài sông, rạch luồn vào trong nhà rất ớn lạnh. Nhất là những đêm mưa lớn, sấm sét ầm ầm khiến Tiên phải ôm chặt các em vào lòng như một cách che chở, bảo vệ nhau khi không có người lớn bên cạnh... 

Riêng Huỳnh Văn Tiền, dù đã 12 tuổi nhưng chỉ cao hơn em út 8 tuổi một chút. Thấy có khách đến nhà, Tiền lảng tránh ra bờ sông ngồi chơi với em suốt buổi. Tôi nhỏ nhẹ mãi 2 con nhỏ của ông Tuấn mới chịu ngồi bên cạnh tâm tình. Khi nghe tôi hỏi về chuyện đi học, hai đứa trẻ ngây thơ nói hồi trước mấy trẻ ở xóm trên vào chơi thường hay cười chê các cháu không được đến trường. Những lúc bị chọc ghẹo như vậy, Tiền và Nga đều thắc mắc với anh và chị, liền được nghe câu trả lời rất đau lòng: “Thì anh hai và chị ba cũng đâu được đến trường, cả cha nữa chứ!”.

Hôm chúng tôi đến nhà ông Tuấn, trời mưa tầm tã khiến con đường nhỏ gập ghềnh đất, đá trở nên lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Đường hẻm vắng lặng. Lúc ra về, căn nhà thiếu cửa của cha con ông Tuấn lùi xa, tôi mới lấy khăn tay lau nước mưa trên mặt. Từ khóe mắt, giọt nước chảy xuống mằn mặn trên môi...

Quyền Chủ tịch UBND phường Tân Vạn PHẠM GIANG SƠN ngạc nhiên khi nghe phóng viên Báo Đồng Nai thông tin ở xóm Gò Đá thuộc KP.4 của phường có một gia đình cả 5 cha con đều không biết chữ, chẳng ai có giấy tờ tùy thân. Ông Sơn từ phường Thanh Bình mới được tăng cường về phường Tân Vạn làm Quyền Chủ tịch UBND phường mấy tháng qua.

Về khu Gò Đá, ông Sơn cho biết hầu hết dân cư từ nơi khác đến dựng nhà tạm để ở nên không có số nhà, không có địa chỉ cụ thể. Trường hợp của gia đình ông Huỳnh Văn Tuấn, ông Sơn khẳng định sẽ cố gắng sớm tìm hướng tháo gỡ, làm giấy khai sinh để các cháu có thể đến trường. Bởi đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Trước mắt, bộ phận chức năng của phường sẽ đến Trạm y tế phường Bửu Hòa nhờ sao lục giấy chứng sinh của các con ông Tuấn. Tiếp đến phải tìm một địa chỉ cụ thể nào đó để đưa danh sách 5 người nhập hộ khẩu thì mới có thể làm giấy khai sinh từng người, kể cả chứng minh nhân dân cho hai cháu lớn” - ông Sơn nhấn mạnh.

Duy Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        119,571       40