Thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhiều khách hàng trong tỉnh, đặc biệt là ở TP.Biên Hòa hưởng ứng. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM QUỐC BẢO, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai về những tiện ích của giao dịch phi tiền mặt và các vấn đề liên quan đến việc triển khai hình thức này trên địa bàn.
Ông PHẠM QUỐC BẢO, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai |
* Khi sử dụng hình thức thanh toán thông qua thẻ tín dụng, ví điện tử, các ứng dụng QR.code… khách hàng sẽ nhận được những tiện ích gì so với cách thanh toán chi trả trực tiếp bằng tiền mặt, thưa ông?
- Có thể nói, thanh toán không sử dụng tiền mặt đang trở thành xu hướng của xã hội hiện đại, nếu không dần thay đổi thói quen thì người tiêu dùng sẽ trở nên lạc hậu so với thời cuộc, bỏ lỡ nhiều tiện ích từ việc sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Tiện ích đầu tiên mà ứng dụng điện tử khi giao dịch mang lại cho người dùng là tiết kiệm thời gian của bên trả và bên thu tiền, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán… Ví dụ như việc trả tiền điện, nước, điện thoại, đóng thuế… thay vì bạn phải đến trực tiếp trụ sở các điểm dịch vụ để trả thì chỉ cần đăng ký tài khoản, ngân hàng sẽ thanh toán giúp bạn hoặc chỉ cần ngồi tại chỗ sử dụng máy tính với thao tác đơn giản thông qua ngân hàng điện tử...
Khi mang theo một lượng tiền nhất định bên mình để thực hiện một giao dịch nào đó sẽ rất bất tiện, dễ có nguy cơ bị cướp giật… Thay vào đó, nếu chi trả thông qua ứng dụng hoặc thẻ ngân hàng sẽ đảm bảo việc giao dịch an toàn, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực dễ dàng, linh hoạt… Hiện nay, để thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt, nhiều công ty fintech (công nghệ tài chính) và ngân hàng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: giảm giá thành sản phẩm, giảm giá cước sử dụng dịch vụ… khi thanh toán qua thẻ hay ví điện tử, điều này có lợi cho người mua sắm.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 2.041 điểm kinh doanh, cơ sở giao dịch, dịch vụ công được trang bị tổng cộng 3.039 thiết bị máy POS (hỗ trợ ATM thanh toán tiền hóa đơn/ dịch vụ hàng hóa). |
Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đến việc tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt chi phí phát hành và lưu thông tiền như: chi phí in, kiểm đếm, vận chuyển tiền, thời gian kiểm tiền, bảo quản…
Khi đã quen sử dụng hình thức thanh toán điện tử, người dân sẽ bỏ dần thói quen trữ tiền bên mình. Thay vào đó, nguồn tiền tạm thời chưa sử dụng đến của khách hàng sẽ giữ ở các tổ chức tín dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng huy động được một số vốn lớn với giá rẻ, có thể giảm được lãi suất, mở rộng cho vay, tăng vốn cho nền kinh tế. Việc thanh toán phi tiền mặt còn giúp kiểm soát và phát hiện các thanh toán phạm pháp.
* Thực tế, tình trạng tội phạm trong lĩnh vực thẻ tín dụng gia tăng gần đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng e dè khi sử dụng các hình thức thanh toán điện tử. Hướng mở “nút thắt” này ra sao?
- Việc thanh toán thông qua các ứng dụng QR code hay ví điện tử hay thẻ tín dụng… đảm bảo an toàn bởi nó được bảo vệ qua hệ thống ngân hàng, các ứng dụng bảo mật vân tay hay nhận dạng khuôn mặt, mã OTP… Tuy nhiên, rất khó để khẳng định về tính an toàn tuyệt đối. Ở Việt Nam từng xuất hiện các nhóm tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao ăn cắp tiền của tài khoản cá nhân, nhất là đối với trường hợp các cá nhân chưa biết tự bảo vệ thông tin tài khoản và nhận thức chưa đầy đủ về giao dịch an toàn.
Khánh hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng tiện lợi ở KP.7, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) |
Điều mà nhiều khách hàng quan tâm hiện nay là cách xử lý của các ngân hàng khi có sự cố xảy ra. Vấn đề ứng xử sẽ góp phần làm tăng hoặc giảm niềm tin của người tiêu dùng khi tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại từ ngân hàng. Nếu rủi ro xảy ra, mất tiền đã đành nhưng quan trọng hơn là mất uy tín, suy giảm niềm tin của khách hàng… Điều này buộc các ngân hàng luôn đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu. Để giảm rủi ro, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng đã xây dựng có cơ chế trao đổi về các phương thức, thủ đoạn để ngăn chặn, phòng ngừa hữu hiệu.
* Để hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt ở mức dưới 10% vào cuối năm 2020, các ngân hàng trong tỉnh đã có những giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu khách hàng, thưa ông?
- Để hình thức thanh toán phi tiền mặt đạt được mục tiêu mong đợi theo tôi rất cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc chung tay góp phần thay đổi thói quen trong chi tiêu của người dân, hiện đại hóa công nghệ, tăng cường bảo mật cũng như tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.
Hiện nay, về hạ tầng công nghệ thông tin của ngành có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng thanh toán điện tử của khách hàng. Các ngân hàng thương mại trong tỉnh đang tích cực đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới. Đáng chú ý là phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức hình thức thanh toán không tiền mặt nhiều dịch vụ công. Song song đó là xây dựng nhiều phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh để đưa tạo thêm tiện ích cho người dùng góp phần giảm thanh toán bằng tiền mặt khi giao dịch.
Xin cảm ơn ông!
Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gồm: thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm (thu hoặc chi); thanh toán sử dụng séc (cheque); thanh toán qua thẻ (thẻ trả trước, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng); thanh toán trực tuyến (dịch vụ internet banking); ví điện tử (giống như tên gọi của nó, đơn giản là một nơi chứa tiền giống như chiếc ví bạn đang sở hữu. Dùng chiếc smartphone và tải thêm một ứng dụng ví điện tử về máy. Khi sử dụng ví điện tử, người dùng có thể trả tiền các dịch vụ mua sắm, ăn uống, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền cho bạn bè, người thân một cách cực kỳ nhanh chóng chứ không còn lệ thuộc vào ngân hàng hay thanh toán tại rất nhiều địa điểm cửa hàng, quán ăn, khu mua sắm. Một số ví điện tử như: Momo, Airpay, ZaloPay, ViettelPay…). |
Kim Liễu (thực hiện)