Nhiều năm nay, hồ thủy lợi Bà Long (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bị một số người lấn chiếm bằng cách đổ đất xuống lòng hồ để sử dụng riêng.
Một góc hồ Bà Long. |
Khi phát hiện diện tích mặt hồ bị chiếm dụng, đơn vị chủ quản đã tiến hành lập biên bản, chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục nguyên trạng, song hiện tại lòng hồ vẫn tiếp tục bị đe dọa.
* Mặt hồ bị lấn chiếm
Hồ Bà Long rộng khoảng 15 hécta, nằm sát Khu công nghiệp Sông Mây, phía giáp với đất liền của người dân trước đây có nhiều nhánh nhỏ như dòng suối xen kẽ. Để “mở rộng” đất thổ cư, một số người đã đổ đất lấp những đoạn nhánh của hồ, thậm chí lấn luôn ra mặt hồ.
Khu đất rộng trên 6 ngàn m2, trong đó có 4,5 ngàn m2 đã có quyết định xử phạt của UBND huyện Thống Nhất (cũ) từ năm 2003 đến nay chưa được khắc phục. |
Anh V.Ng., người sống lâu năm ở khu vực hồ Bà Long chỉ một đoạn mặt hồ được đổ xà bần dài hàng chục mét đã khá lâu, đến nay cỏ mọc xanh tốt nên không thể nhận ra đó là bờ đất mới đắp. Theo anh Ng., có lẽ do “ngụy trang” khéo léo nên cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý trường hợp này. “Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa một phần lòng hồ sẽ bị san bằng thành đất liền, tạo cơ hội cho các đối tượng phân lô bán nền. Hiện tại, một thửa đất ở gần khu vực hồ Bà Long sang nhượng bằng giấy tay với giá từ 100-500 triệu đồng/nền với diện tích khoảng 100m2. Khoản tiền này tương đối hợp với khả năng của công nhân lao động nên tình trạng mua bán đất ở đây diễn ra công khai” - anh Ng. nói.
Tương tự, ông T.L. (ngụ ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3) người chứng kiến cảnh lấn chiếm lòng hồ Bà Long thời gian qua cho biết người dân đã phản ảnh nhiều lần về tình trạng mặt hồ bị chiếm dụng thành của riêng. Qua đó cơ quan chức năng tiến hành xử lý một số trường hợp nhưng đến nay việc lấn chiếm vẫn chưa có dấu hiệu ngừng. Những người từng bị xử phạt và lập biên bản vi phạm dường như “lờn” nên vẫn tiếp tục biến mặt hồ thành đất nhà mình.
* Lập biên bản vi phạm xong… để đó
Hồ Bà Long do Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý, vận hành phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng lúa 45 hécta trên địa bàn xã Hố Nai 3.
Ao của ông Phạm Việt Trường hình thành từ việc đổ đất lấn chiếm lòng hồ Bà Long, đến nay vẫn chưa trả lại nguyên trạng. |
Tình trạng đổ đất để san bằng mặt hồ hòng lấn chiếm kéo dài từ năm 2000 tới nay. Trước thực trạng diện tích hồ bị giảm dần, cơ quan chức năng có tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng mọi chuyện chẳng hề chuyển biến gì. Cụ thể, năm 2003 UBND huyện Thống Nhất (cũ) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đổ đất lấn chiếm lòng hồ Bà Long trên diện tích hơn 4,5 ngàn m2 do ông Đinh Mạnh Huyền (ngụ TP.Biên Hòa) san lấp; buộc ông Huyền phải khôi phục nguyên trạng lòng hồ. Tuy nhiên trường hợp này đến nay không những chưa trả lại nguyên trạng mà liền kề đó còn có gần 2 ngàn m2 mặt hồ bị những người khác biến thành đất liền khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Nhiều người ngụ gần hồ Bà Long cho rằng nếu chính quyền địa phương không có biện pháp mạnh đối với những đối tượng lấn chiếm hồ Bà Long cũng như cơ quan quản lý hồ không thường xuyên kiểm tra, giám sát thì nhiều khả năng lòng hồ sẽ còn tiếp tục bị “xà xẻo”. Bởi những trường hợp đã lấn chiếm hồ thời gian qua hầu như phớt lờ các quy định trong việc gìn giữ, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi sao cho phát huy hiệu quả. |
Ngoài những trường hợp nêu trên, những năm gần đây cũng có hàng chục biên bản được lập có sự xác nhận của cả đơn vị quản lý hồ và chính quyền địa phương nêu đích danh tên người vi phạm. Một trong những người lấp hồ nhiều lần là ông Phạm Việt Trường (ngụ xã Hố Nai 3). Ông Trường nhiều lần cho xe đổ đất, đắp bờ ngăn nhánh hồ Bà Long thành những ao nhỏ. Dù liên tục bị đơn vị chủ quản yêu cầu trả lại nguyên trạng mặt hồ nhưng đến nay những chiếc ao của ông Trường vẫn còn nguyên.
Trao đổi về tình trạng hồ Bà Long bị lấn chiếm thời gian qua, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Bùi Ngọc Thao cho biết nhiều trường hợp vi phạm từ quá lâu nên địa phương không còn thẩm quyền xử lý. “Chính quyền địa phương có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng lòng hồ, không để phát sinh thêm lấn chiếm. Cái khó ở đây là đơn vị quản lý lòng hồ chưa xác định lại ranh mốc mặt hồ để địa phương có căn cứ xử lý các trường hợp vi phạm” - ông Thao nói.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Nguyễn Minh Kiều khẳng định công ty đã tiến hành đo vẽ, xác định vị trí cắm mốc diện tích hồ cụ thể và bàn giao cho chính quyền địa phương từ năm 2015. Những năm qua khi phát hiện trường hợp đổ đất chiếm dụng lòng hồ, công ty đều báo cho UBND xã Hố Nai 3 đề nghị cùng phối hợp giải quyết. “Công ty đã làm đúng trách nhiệm của đơn vị quản lý công trình khi phát hiện, lập biên bản và báo chính quyền địa phương. Việc xử lý người vi phạm thuộc trách nhiệm của xã Hố Nai 3. Thế nhưng nhiều năm qua chưa thấy vụ việc nào được giải quyết đến nơi đến chốn, trong khi tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp diễn” - ông Kiều nhấn mạnh.
Ngọc Liên