Bạn đọc

Tài xế "quá tải", nguy hiểm khôn lường!

Do chủ xe yêu cầu hoặc bản thân muốn tăng thu nhập, nhiều tài xế đã chấp nhận chạy tăng chuyến, tăng giờ. Chạy đường dài, chạy liên tục trong điều kiện không nghỉ ngơi đầy đủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thảm khốc.

Xe đường dài Bắc - Nam chờ đón khách tại Bến xe Biên Hòa. ảnh minh họa: P.Liễu
Xe đường dài Bắc - Nam chờ đón khách tại Bến xe Biên Hòa. ảnh minh họa: P.Liễu

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng tài xế chạy quá số giờ quy định, quá số giờ liên tục đang rất phổ biến. Năm 2017 có đến 1/3 số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách đường dài có nguyên nhân do tái xế buồn ngủ, mệt mỏi gây ra.

* Lái xe ngủ gật, cái giá quá đắt

Mấy ngày qua, người dân cả nước đau lòng về vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Quảng Nam xảy ra ngày 30-7, cướp đi sự sống của 13 người ruột thịt và 4 người khác vẫn đang nguy kịch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là tài xế ngủ gật do chạy xe 20 tiếng đồng hồ liên tục. Chỉ vài giây thiếp đi của tài xế, cái giá phải trả đã quá đắt.

Điều 23 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định; đồng thời người điều khiển xe vi phạm về thời gian làm việc còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Tai nạn do người lái xe ngủ gật gây ra không phải là hiếm. Vào tháng 10-2017, xe khách 16 chỗ gây tai nạn tại Tây Ninh làm 14 người thương vong, trong đó 6 người chết tại chỗ, nguyên nhân cũng do tài xế ngủ gật khiến xe đâm thẳng vào một xe khách ngược chiều…

Tình trạng tài xế ngủ gật do làm việc quá sức khiến người dân lo lắng mỗi khi có dịp đi xe đường dài. Trở về nhà sau chuyến đi Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Lan Hạnh, giáo viên một trường mầm non ở Biên Hòa mới thở phào nhẹ nhõm. Do kinh phí, thời gian có hạn nên trường chị chọn tour đi đêm để bớt chi phí 1 đêm thuê khách sạn. 23 giờ xe khởi hành, lên xe chị mới biết bác tài cũng vừa chở một đoàn khách từ Đà Lạt về lúc 20 giờ cùng ngày. “Ngồi trên xe mà tôi lo lắng không yên. Không biết trong 3 giờ đồng hồ cách chuyến, bác tài có kịp nghỉ ngơi, xe có được kiểm tra, bảo trì sau một chặng đường dài lăn bánh hay không. Giờ lại chạy đêm, đường đèo dốc nguy hiểm, cả đêm tôi chong mắt trên đường” - chị Hạnh kể.

Lênh đênh đường dài, tài xế phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó có những cơn buồn ngủ ập đến khi không nghỉ ngơi đầy đủ. Gác tay lái sau hơn 20 năm ôm vô-lăng tuyến đường dài Bắc - Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho hay ông từng suýt gây tai nạn khi cố chạy trong cơn buồn ngủ chập chờn. “Buồn ngủ là phản xạ tự nhiên của cơ thể, cố cũng được vài chục phút nhưng trong thời gian đó phản xạ rất kém. Nghiệm từ bản thân, theo tôi lúc đó không nên cố vì rất dễ rơi vào tình trạng ngủ vô thức. Chỉ cần mấy giây thiếp đi, tai nạn đã khó tránh” - ông Tuấn nói.

* Tăng giám sát để giảm tai nạn

Trong giới tài xế với nhau, ông Tuấn cho biết thông thường người trung niên kiên quyết từ chối lời đề nghị chạy tăng chuyến, tăng giờ khi sức khỏe, thời gian nghỉ cách chuyến không bảo đảm. Nhưng với cánh tài xế trẻ, vì miếng cơm manh áo nên họ sẵn sàng chấp nhận yêu cầu chạy tăng chuyến, tăng giờ. Để đối phó với tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, tài xế phải thường uống cà phê đặc, nước tăng lực, thậm chí là sử dụng ma túy. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của hành khách và bản thân lái xe.

Theo bà Nguyễn Thái Tường Loan, Giám đốc Công ty TNHH vận chuyển và du lịch Thái Loan (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thì việc kiểm soát hoạt động của tài xế là không khó. Theo quy định, các xe kinh doanh vận tải hành khách đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, khi tài xế chạy quá số giờ, quá tốc độ hay có biểu hiện loạng choạng, lập tức thiết bị sẽ cảnh báo và bộ phận theo dõi phải gọi điện nhắc tài xế dừng lại nghỉ ngơi. “Vấn đề cốt lõi là cần tăng trách nhiệm quản lý của đơn vị vận tải, nếu chờ đến khi gây ra tai nạn mới truy xuất thông tin để xử lý nguội thì mọi chuyện đã quá muộn” - bà Loan nói.

Liên quan đến việc kiểm soát số giờ lái của tài xế, ông Lê Văn Đức, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện Sở Giao thông - vận tải cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định: thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ/ ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Một lái xe chạy khoảng 2,5-3 giờ buộc phải dừng nghỉ từ 30-45 phút. Kiểm soát số giờ tài xế cầm lái thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Mỗi doanh nghiệp đều có tổ an toàn giao thông, nơi đây theo dõi cảnh báo từ thiết bị giám sát hành trình, nếu thấy có vấn đề cần nhắc nhở thì sẽ làm. Để xe gây tai nạn, doanh nghiệp sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,431       109