Bạn đọc

Lập lờ nhãn mác hàng hóa

Gần đây, một số hàng hóa trên thị trường có sự lập lờ về nhãn mác, xuất xứ, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi lựa chọn sản phẩm...Đây không chỉ là thách thức đối với cơ quan quản lý,...

Gần đây, một số hàng hóa trên thị trường có sự lập lờ về nhãn mác, xuất xứ khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi lựa chọn sản phẩm.

Cơ quan chức năng phát hiện Cơ sở gia công giày thể thao của ông Vũ Hồng Niên đang sản xuất giày thể thao giả nhãn hiệu Nike và Adidas. Ảnh: Lê Lâm
Cơ quan chức năng phát hiện Cơ sở gia công giày thể thao của ông Vũ Hồng Niên đang sản xuất giày thể thao giả nhãn hiệu Nike và Adidas (Ảnh: Lê Lâm)

Sự vi phạm này đang diễn ra công khai và tràn lan. Đây không chỉ là thách thức đối với cơ quan quản lý mà còn gây thiệt hại kinh tế, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.

* Nhãn một đàng, hàng một nẻo

Vì muốn sắm thiết bị nhà bếp cho ngôi nhà mới xây, chị Nguyễn Thị Lê (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã bỏ ra 15 triệu đồng để mua một chiếc bếp hồng ngoại nhãn hiệu Giovani được quảng cáo là hàng Ý nhập “nguyên con” với mặt kính cường lực, có chức năng hẹn giờ, nướng thịt, cảnh báo khi mặt bếp nóng… tại một cửa hàng đồ gia dụng trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa).

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết mỗi năm Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh tiếp nhận hơn 30 vụ khiếu nại về gian lận thương mại. Ông Hải khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sản phẩm trong nước nên chọn sản phẩm có ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin kỹ thuật, thời hạn sử dụng, trọng lượng đầy đủ. Với hàng ngoại nhập, phải có nhãn phụ tiếng Việt, ngoài những thông tin theo yêu cầu, nhãn phụ còn phải ghi rõ đơn vị nhập hàng, phân phối, địa chỉ. Nếu những sản phẩm đã công bố mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone quét mã sản phẩm để kiểm tra.

Thế nhưng khi đến một trung tâm thương mại ở TP.Hồ Chí Minh, chị Lê thấy chiếc bếp cùng nhãn hiệu Giovani “y chang” nhà mình nhưng có giá tới 50 triệu đồng. Hỏi ra mới biết, đây mới là hàng Ý chính hãng. Kiểm tra lại bếp của nhà mình thì thấy dưới đáy bếp có tem dán tên hiệu bếp là Faster.

Tìm hiểu trên mạng, chị biết đây là dòng bếp hồng ngoại được sản xuất từ Trung Quốc theo tiêu chuẩn châu Âu, giá thực của bếp chỉ khoảng 8 triệu đồng. Chị Lê đến Cửa hàng nói trên để khiếu nại nhưng đành ngậm ngùi vì cửa hàng đã nghỉ bán.

Thực trạng lập lờ nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng: gia dụng, thời trang, điện tử, đồ chơi trẻ em… lâu nay khiến cho người tiêu dùng không khỏi bất an khi mua hàng. Thậm chí, nhiều cơ sở ngang nhiên sản xuất hàng giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Điển hình như trường hợp sản xuất hàng giả tại cơ sở gia công giày thể thao của ông Vũ Hồng Niên, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) - một cơ sở đã bị Đội Quản lý thị trường cơ động (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) phát hiện sản xuất gần 2 ngàn đôi giày giả nhãn hiệu Nike và Adidas - 2 nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam. Nếu lô hàng này tiêu thụ trót lọt, chủ cơ sở gia công giày thể thao này có thể bỏ túi hàng trăm triệu đồng, còn người tiêu dùng thiệt thòi khi mua hàng giả giá cao.

Tương tự, Cửa hàng M.E trên đường Phạm Văn Thuận (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), cũng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện bán nhiều mặt hàng giỏ xách, đồng hồ mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Furla, Michael Kors, Coach, Lyn, Charles&Keith… với giá hàng hiệu nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

* Thông thái để bảo vệ mình

Gần đây, những thương hiệu có tiếng của Việt Nam như: Khải Silk, chuỗi cửa hàng Con Cưng cũng khiến người tiêu dùng hoang mang khi bị phát hiện có sự lập lờ nhãn mác. Theo Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 20 cửa hàng của Con Cưng đang được kiểm tra nhãn mác, xuất xứ hàng hóa.

Đồ chơi trẻ em ngoại nhập cũng rất dễ bị nhái. Mua đồ chơi ngoại nhập nên xem có tem phụ tiếng Việt ghi đầy đủ thông tin xuất xứ và những thông tin kỹ thuật cần thiết. Trong ảnh ảnhminh họa: Một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở đường 30-4.
Đồ chơi trẻ em ngoại nhập cũng rất dễ bị nhái. Mua đồ chơi ngoại nhập nên xem có tem phụ tiếng Việt ghi đầy đủ thông tin xuất xứ và những thông tin kỹ thuật cần thiết. Trong ảnh: Một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở đường 30-4 (Ảnh minh họa)

Thông tin ban đầu cho thấy, một số loại đồ chơi trẻ em (Toy City) của Con Cưng là hàng ngoại nhập nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Việc kiểm tra còn tiếp tục, kết quả chưa biết thế nào nhưng rõ ràng niềm tin của người tiêu dùng về một thương hiệu nổi tiếng đã bị lung lay.

Theo quy định, các sản phẩm bắt buộc phải có nhãn mác ghi đầy đủ thông tin tên hàng hóa, cơ sở sản xuất, xuất xứ sản phẩm, định lượng, hạn sử dụng, các thông số kỹ thuật khác… Tuy nhiên, những vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, làm khó người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý thời gian qua.

Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai) cho biết nhãn mác hàng hóa là một trong những gian lận thương mại xảy ra rất nhiều trên thị trường. Có 2 loại gian lận về nhãn mác là hàng giả (không có nhãn mác hoặc nhãn mác không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa) và hàng nhái (hàng có xuất xứ, nguồn gốc nhưng gắn nhãn mác “ăn theo” những thương hiệu nổi tiếng). Theo ông Hóa, vấn đề chống gian lận thương mại trên lĩnh vực tem, nhãn, mác hiện nay vẫn đang là bài toán khó.

Để kiểm soát và ngăn chặn gian lận thương mại về nhãn mác, ngành quản lý thị trường đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, ông Hóa cũng cho rằng các nhà sản xuất chân chính phải tăng khả năng chống hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình. Riêng người tiêu dùng cần có hiểu biết nhất định, biết cách nhận diện sản phẩm mình định mua để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,501       662