Quy định về gắn thiết bị giám sát hành trình đối những loại xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải. |
Đây là chặng cuối của lộ trình thực hiện gắn thiết bị giám sát hành trình đối những loại xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP
của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định này, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải.
Thưa ông, vì sao phương tiện kinh doanh vận tải buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình?
- Theo quy định của Nghị định 86, phương tiện tham gia kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình vì thiết bị này có chức năng ghi lại quá trình hoạt động của xe và lái xe khi tham gia giao thông.
Việc gắn thiết bị giám sát hành trình ô tô giúp cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát, quản lý được quá trình hoạt động của xe và lái xe trên đường. Cụ thể như: giám sát được vị trí, hành trình, tốc độ, thời gian lái xe trên đường, thời gian dừng đậu và thời điểm xảy ra sự cố về giao thông.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cần thực hiện theo những tiêu chuẩn nào? Thiết bị này được quản lý, vận hành ra sao?
- Theo quy định, thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được quy định tại Thông tư 73/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - vận tải. Thiết bị phải được đảm bảo ở tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Xe tải lưu thông trên đường cần gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng quản lý được hoạt động của xe (ảnh lớn - mang tính chất minh họa). |
Để theo dõi, quản lý và vận hành thiết bị giám sát hành trình, doanh nghiệp phải trang bị máy tính có kết nối internet để truyền dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình về Trung tâm kiểm soát của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải qua thiết bị, truy xuất dữ liệu để lưu trữ theo quy định và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu. Sở Giao thông - vận tải theo dõi qua thiết bị để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe…
Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện quy định gắn thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Nghị định 86 có hiệu lực từ năm 2015. Theo nghị định, Chính phủ quy định lộ trình thực hiện quy định này trên từng nhóm phương tiện giao thông với 5 mốc thời gian. Cụ thể: từ ngày 1-7-2015 thực hiện việc gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc kinh doanh vận tải; từ ngày 1-1-2016 thực hiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên; từ ngày 1-7-2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 đến dưới 10 tấn; từ ngày 1-1-2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn và mốc lộ trình cuối là từ ngày 1-7-2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.
Thiết bị giám sát hành trình tuy đơn giản nhưng có thể ghi và lưu lại toàn bộ quá trình lưu thông của xe trên đường (ảnh nhỏ). |
Tại Đồng Nai, thời gian qua Sở Giao thông - vận tải đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan tổ chức nhiều cuộc họp và hội nghị đối thoại với doanh nghiệp thực hiện tuyên truyền lộ trình cấp phép và lắp thiết bị giám sát hành trình đến các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Đến thời điểm này, đã cấp phép cho hơn 30 ngàn phương tiện thuộc đối tượng bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình (chiếm 50% trong tổng số phương tiện thuộc nhóm đối tượng phải thực hiện quy định). So với các địa phương khác, tỷ lệ này tại Đồng Nai là khá cao.
Hiện vẫn còn khoảng 50% phương tiện thuộc nhóm bắt buộc chưa thực hiện việc gắn thiết bị giám sát hành trình. Ngành giao thông có phương án gì trong việc đốc thúc các chủ phương tiện giao thông thực hiện nghiêm quy định này?
- Thực tế từ đầu tháng 7 đến nay, khi quy định bắt đầu có hiệu lực thì số phương tiện thực hiện quy định gắn thiết bị tăng khá nhanh (có 4 ngàn phương tiện thực hiện gắn thiết bị giám sát hành trình). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ phương tiện hiện nay chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc gắn thiết bị giám sát hành trình. Trong nhóm đối tượng này, nhiều phương tiện là xe chở hàng của hộ gia đình, vận chuyển không thường xuyên nên các chủ xe chưa thực sự quan tâm.
Thời gian tới Sở Giao thông - vận tải tiếp tục phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp thực hiện việc gắn thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định đã ban hành.
Xin cảm ơn ông!
Xử phạt xe vi phạm quy định gắn thiết bị giám sát hành trình Khoản 3, Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nêu rõ quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau: phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định. |
Phương Liễu (thực hiện)