Bạn đọc

Dân vùng Rạch Lá chờ sổ đỏ

Hàng chục hộ dân ở vùng Rạch Lá (ấp Vũng Gấm, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) thấp thỏm sau 30 năm khai hoang, canh tác ổn định ở vùng đất này nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do vướng quy hoạch treo.

Những hộ nuôi thủy sản ở vùng Rạch Lá thấp thỏm vì đất khai hoang mấy chục năm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những hộ nuôi thủy sản ở vùng Rạch Lá thấp thỏm vì đất khai hoang mấy chục năm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không có sổ đỏ “lận lưng”, người dân không an tâm sản xuất; không được giải quyết vay vốn làm ăn, cho con học hành cũng như gặp nhiều khó khăn …

* Khó đủ đường…

Hơn 30 năm trước, hộ bà Châu Ngọc Anh - hộ dân đầu tiên vào khai thác khu vực rừng Chà Là, vùng Rạch Lá. Làm ruộng rồi nuôi tôm, nuôi cá, cua đã mấy mươi năm nhưng đất của gia đình bà vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Bà Ngọc Anh cho biết 4 trong 6 người con của bà đã lập gia đình, bà muốn chia cho mỗi người con một mảnh đất để làm ăn, nhưng đất chưa có sổ đỏ nên không thể chia được. Để phát triển kinh tế gia đình, bà muốn mở rộng nuôi tôm, cua theo quy mô công nghiệp, nhưng khi đưa máy móc, thiết bị vào để vét đầm, làm cống kiên cố thì địa phương ngăn cản, thậm chí còn tạm giữ cả máy hút bùn của gia đình với lý do đất quy hoạch, chưa được công nhận sở hữu.  

Nuôi thủy sản ở vùng này cũng ngót 20 năm, hộ ông Đinh Văn Hiệp cũng gặp nhiều khó khăn vì không có sổ đỏ “lận lưng”. Ông Hiệp cho hay: “Tôi rất muốn vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm theo quy trình công nghiệp, nhưng không được vì chưa được cấp sổ đỏ nên không thế chấp vay vốn”.

“Không được cấp sổ đỏ, dân khó đủ đường” - ông Lưu Kim Sanh than thở. Con ông học đại học, mỗi lần tới kỳ nộp học phí, ông phải đi vay “nóng” để đóng tiền học cho con hoặc mỗi lần mua lượng lớn thức ăn cho thủy sản nhưng đợt nuôi thất bại, ông cũng phải vay “nóng” để trả nợ vì không có sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng.

Nói về những khó khăn của người dân địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước An bộc bạch: “Người dân địa phương chủ yếu làm nông, nhiều năm qua nhiều hộ không yên tâm sản xuất do mảnh đất mình sinh sống và canh tác hơn nửa đời người vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Điều mà người dân mong mỏi nhất hiện nay là được cấp sổ đỏ để có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

* Chờ đến bao giờ?

Vùng Rạch Lá rộng 3.800 hécta, vốn là đất rừng hoang hóa. Năm 1983, UBND tỉnh ban hành Quyết định 954/QĐ.UBT giao toàn bộ diện tích này cho Công ty dừa Long Thành để đầu tư trồng dừa. Do công ty triển khai không hiệu quả nên ngày 13-7-1992, UBND tỉnh quyết định thu hồi đất và giao cho UBND huyện Long Thành quản lý. Sau đó khu vực này chuyển về cho huyện Nhơn Trạch quản lý. Ngày 5-2-1996, UBND tỉnh có Quyết định 238/QĐ.UBT phê duyệt dự án đầu tư phát triển ngư - lâm (gọi tắt là dự án 773) và giao cho UBND huyện Nhơn Trạch làm chủ đầu tư với quy mô dự án có diện tích 780 hécta. 

Theo ông Lê Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, quan điểm của huyện là sau khi UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc trên xong và giao về cho UBND huyện, huyện sẽ cho tổ chức rà soát lại toàn bộ thực trạng sử dụng đất dự án 773 (cũ), đồng thời xây dựng hướng quản lý, trong đó bao gồm việc xem xét cấp sổ đỏ cho những hộ dân sử dụng hợp pháp theo quy định của Luật Đất đai.

Từ quy hoạch này, UBND xã Phước An đã tạm cấp cho 14 hộ dân với diện tích đất khoảng 25 hécta. Song sau đó UBND huyện Nhơn Trạch đã ban hành các quyết định thu hồi đất đối với 14 hộ trên nhưng các hộ này không chấp hành, trong đó 12/14 hộ dân đã khởi kiện quyết định thu hồi đất UBND huyện Nhơn Trạch. Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch đã hòa giải thành với 8 hộ, 2 hộ  rút đơn, còn 2 hộ ông Dương Thành Xuyên và Võ Văn Đây tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh. Sau khi xem xét sự việc, UBND tỉnh đã bác đơn khiếu nại đối với 2 hộ trên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, từ những kiến nghị của người dân, Sở Tài nguyên - môi trường đã xem xét, đề xuất UBND tỉnh cho dừng dự án 773 do việc triển khai, quản lý sử dụng đất trong dự án không hiệu quả, có nhiều tồn tại, hạn chế, không được các hộ dân trong vùng dự án đồng thuận. Năm 2015, UBND tỉnh đã đồng ý cho dừng dự án trên.

Dự án đã dừng, tuy nhiên để giải quyết những vấn đề tồn tại trong quản lý đất dự án, người dân còn chờ UBND tỉnh ban hành các quyết định tiếp theo, trên cơ sở đó mới có thể xem xét cấp sổ đỏ cho những hộ dân ở đây.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,241       863