Internet và công nghệ số đã và đang tác động đến đời sống của nhiều trẻ em. Không phủ nhận những tích cực của thời công nghệ số, nhưng tác hại từ mạng xã hội mang lại cũng không hề nhỏ.
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh. |
Chia sẻ với Báo Đồng Nai về những tác động trên, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội , cho biết: “Bảo vệ trẻ em thời công nghệ số là việc gian nan, đòi hỏi phải có sự vào cuộc từ gia đình, nhà trường và xã hội”.
Công nghệ số bùng nổ mạnh mẽ với rất nhiều tiện ích. Bà có nghĩ điều đó tạo cho trẻ em thời nay một nền tảng kiến thức, một cách giao tiếp mới không?
- Việt Nam có tới 64 triệu người sử dụng internet (chiếm 67% dân số), trong đó hơn 50% số người sử dụng là trẻ em và thanh thiếu niên. Đánh giá tích cực thì internet và công nghệ số đã mang lại cho trẻ em thời nay khá nhiều lợi ích. Đó là tạo sự tương tác rất lớn giữa trẻ em với thế giới bên ngoài, làm tăng khả năng tiếp cận thông tin, giúp trẻ xây dựng kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ số, giúp các em kết nối cũng như thể hiện quan điểm của mình trước những sự việc của cuộc sống. Ngoài ra, còn làm tăng tính cạnh tranh trong học tập do có nhu cầu được tiếp cận khối tri thức khổng lồ của nhân loại, thúc đẩy sự sáng tạo, tương tác với nhiều tài liệu học tập trên mạng, tạo kỹ năng thích ứng với môi trường thông qua những thông tin, kiến thức các em đã học, đã đọc được trên internet.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, theo bà, trẻ bị những ảnh hưởng xấu nào từ mạng xã hội?
- Cách mạng công nghệ số đang tác động khá mạnh đến trẻ em, đặt trẻ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức: cơ hội được tương tác, tiếp cận tri thức vô tận nhưng thách thức là những cạm bẫy của mạng xã hội dẫn nhiều trẻ em đến nhận thức lệch lạc, hành vi nông nổi là không nhỏ.
Thiết bị kỹ thuật số hiện đại giúp trẻ sớm tiếp cận với internet (ảnh minh họa).Ảnh: P.LIỄU |
Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), cứ 3 người Việt Nam sử dụng internet thì có 1 người là trẻ em dưới 15 tuổi. Theo đánh giá của cơ quan này, hành động bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn ở Việt Nam lại rất thấp. Không được kiểm soát nội dung và thời lượng sử dụng internet, tiếp cận thường xuyên những trang thông tin không lành mạnh đang dẫn một bộ phận trẻ em đến nhận thức lệch lạc, hành động nông nổi; nghiện game bạo lực dẫn đến bỏ bê học hành, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể lực. “Sống” với internet quá nhiều cũng làm trẻ hạn chế giao tiếp trong đời thực, đồng thời làm tăng tính dễ tổn thương trước những biến cố rủi ro của bản thân và gia đình.
Để bảo vệ trẻ em trong môi trường công nghệ số, theo bà trong chuỗi liên kết “gia đình, nhà trường và xã hội” thì mắt xích nào đóng vai trò quan trọng nhất?
- Tôi cho rằng gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khi môi trường mạng xã hội đang bùng nổ và nhiều chi phối như hiện nay. Bảo vệ trẻ trong môi trường mạng không có nghĩa là cấm trẻ sử dụng internet hay thiết bị công nghệ mà là kiểm soát các trang mạng trẻ hay truy cập, nội dung đưa lên mạng xã hội của trẻ. Để kiểm soát, cha mẹ cũng phải thay đổi, học hỏi để theo kịp sự phát triển của công nghệ số nhằm kiểm soát và cùng trẻ khám phá tri thức. Đồng thời nên dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng như: không kết bạn, không nói chuyện với người lạ trên internet; không cung cấp, chia sẻ những thông tin, hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại cá nhân và các thành viên trong gia đình công khai trên mạng cũng như cho người lạ quen biết trên mạng. Đặc biệt, yêu cầu trẻ không nên để người khác biết mình đang ở nơi nào đó một mình và trong tâm trạng cô đơn, buồn chán… nhằm tránh tình trạng trẻ bị dụ dỗ, lợi dụng, bị xâm hại.
Với chức năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ngành lao động - thương binh và xã hội sẽ làm gì để cùng với gia đình bảo vệ tốt nhất trẻ em trong thời đại công nghệ số?
- Trên địa bàn tỉnh cũng đã từng xảy ra những vụ việc như trẻ tự tử do bị bêu xấu trên mạng xã hội; trẻ bị dâm ô, lạm dụng tình dục thông qua hẹn hò trên mạng; những clip cổ vũ bạo lực học đường… Trước tình trạng đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã lên kế hoạch, phối hợp với một số sở, ngành như: Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Nhà thiếu nhi Đồng Nai, tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh về vấn đề sử dụng mạng xã hội. Qua đó, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn các em và cả phụ huynh nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi sử dụng internet, đồng thời trang bị cho các em những kỹ năng nhận diện tính chất 2 mặt của mạng xã hội.
Trong việc bảo vệ trẻ em, tuy trách nhiệm chính thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội nhưng còn 14 cơ quan khác cùng có trách nhiệm này. Theo tôi, để tạo nên sự đồng bộ trong công tác bảo vệ trẻ, mỗi cơ quan liên quan cần tích cực thực hiện vai trò của mình. Đặc biệt là những cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn những thông tin, nội dung xấu tràn lan.
Xin cảm ơn bà
Nhằm bảo vệ trẻ em trong thế giới số, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã đề xuất Chính phủ ban hành quy định xử phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng nhưng không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Đồng thời đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động, thậm chí tước giấy phép hoạt động của doanh nghiệp đó từ 3-6 tháng. |
Phương Liễu (thực hiện)