Bạn đọc

An toàn tại các điểm vui chơi trẻ em: Còn bỏ ngỏ?

Hiện nhiều công viên, sân nhà văn hóa, bãi đất trống được tận dụng cho người dân thuê kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em. Trong điều kiện đô thị chật chội, có thêm sân chơi cho trẻ là điều cần thiết.

Các trò chơi vận động, cảm giác mạnh phải được ngành chức năng kiểm định định kỳ.
Các trò chơi vận động, cảm giác mạnh phải được ngành chức năng kiểm định định kỳ.

Tuy nhiên, tại nhiều điểm vui chơi còn tồn tại nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, việc kiểm tra, quản lý điều kiện an toàn tại các điểm vui chơi này lại chưa được quan tâm đúng mức.

* Thiếu an toàn

Mới đây, tại điểm vui chơi dành cho thiếu nhi trên bờ kè sông Đồng Nai (phố đi bộ đường Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa) đã xảy ra tai nạn do toa xe lửa chạy điện bị trật đường ray khiến chị T.L.Q. và con gái (ngụ phường Hòa Bình) bị té ngã trầy chân. Đây không phải là vụ tai nạn duy nhất, trước đó một trẻ 3 tuổi khi nhảy trong nhà hơi tại điểm vui chơi Công viên Biên Hùng cũng bị gãy tay do va chạm… Các vụ việc xảy ra được cư dân mạng chia sẻ trên các fanpage gây lo lắng cho nhiều phụ huynh.

Theo Thông tư 05/2014/TT-BLĐTBXH, những trò chơi mang người lên cao từ 2m trở lên, tốc độ di chuyển của người từ 3m/giây so với sàn cố định (tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt…) thuộc danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Còn theo Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đu quay (QTKĐ:27- 2014/BLĐTBXH), thời hạn kiểm định định kỳ đu quay mới là 2 năm/lần; đu quay đã sử dụng trên 8 năm, thời hạn kiểm định định kỳ 1 năm/lần; tàu lượn siêu tốc sử dụng trên 6 năm, thời hạn kiểm định là 2 năm/lần.

Chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ phường Thanh Bình) bộc bạch, sau khi đọc những thông tin trên thấy lo nên chị chỉ chọn những trò đơn giản, an toàn mới cho con chơi nhưng vẫn không yên tâm. Lý do là tuần rồi khi đưa 2 con đến điểm vui chơi tại Công viên Biên Hùng chơi đu quay, khi đứng chờ con chị tựa vào hàng rào song sắt bên ngoài trò chơi thì bỗng cảm thấy tê tê, nhìn xuống chị thấy dây điện được cột ngay vào hàng rào. “Dây điện bọc nhựa nhưng phơi nắng, mưa chắc có chỗ hở gây chạm điện, hoảng quá tôi đưa con đến các điểm chơi khác nhưng nhìn quanh điểm nào cũng thấy tình trạng dây điện được câu móc khá lộn xộn, không bảo đảm an toàn nên tôi không dám cho con chơi nữa” - chị Tâm kể.

Tại điểm vui chơi ở trong khuôn viên Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, anh Võ Minh Thành, hiện là kỹ sư điện (ngụ phường Tân Mai) nhận định việc câu móc, chạy dây điện ở đây rất thiếu an toàn. Anh Thành dẫn chứng: mỗi trò chơi ở khu vực này có một bộ công tắc đóng mở điện, có hộp bảo quản nhưng không đặt trong hàng rào cách ly, lại đặt thấp, chỉ ngang tầm trẻ nhỏ nên khi có đông các trẻ đến chơi rất dễ va chạm vào những hộp điện này. Chưa kể, do không đủ nhân viên trực tại mỗi trò chơi nên có tình trạng bỏ trống công tắc điện rất nguy hiểm cho trẻ. Dây điện ở đây cũng không được đặt âm sàn mà lại kéo thả bừa bãi trên đường đi.

Ngoài điểm vui chơi trên, khu vui chơi còn có chỗ cho thuê xe điện, xe tự cân bằng được nhiều trẻ em ưa tốc độ chọn chơi. Sân chơi rất trơn nhưng nhiều em cho xe lướt đi với tốc độ khá cao, có em do không làm chủ được tay lái đã đâm va vào xe điện của những trẻ nhỏ hơn hoặc tự đâm vào tường rào, bồn cây gây thương tích.

* Buông lỏng quản lý?

Để thu hút người chơi, nhiều chủ kinh doanh đã lắp đặt những trò chơi cảm giác mạnh như: tàu lượn siêu tốc, đu bay, tàu văng, đĩa chao, rơi tự do…là những thiết bị theo quy định phải được ngành chức năng kiểm định an toàn định kỳ, nhưng 4 điểm vui chơi như: Công viên Biên Hùng, Công viên Nguyễn Văn Trị, Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh và điểm vui chơi Mũi Tàu (phường Quyết Thắng) tìm mỏi mắt cũng không thấy tem kiểm định trên những thiết bị này. Trong khi theo nguyên tắc, các thiết bị được đăng kiểm phải có tem đăng kiểm ghi thời hạn và dán ở nơi dễ thấy nhất.

Hộp công tắc đóng mở điện đặt thấp, ngang tầm với của trẻ (ảnh chụp tại khu vui chơi trong khuôn viên Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh).
Hộp công tắc đóng mở điện đặt thấp, ngang tầm với của trẻ (ảnh chụp tại khu vui chơi trong khuôn viên Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh).

Nói về công tác an toàn tại điểm vui chơi do mình quản lý, bà Trần Thị Hạnh, chủ điểm vui chơi ở Công viên Nguyễn Văn Trị, khẳng định: “Công tác kiểm định các trò chơi tốc độ, cảm giác mạnh được thực hiện định kỳ bởi một trung tâm đăng kiểm ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng trung tâm nào thì… tôi không nhớ”. Ở điểm vui chơi tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, một nhân viên “bật mí” hầu như không thấy đoàn điểm định nào đến. Lâu lâu máy móc trục trặc, gãy vỡ thì kêu thợ hàn, thợ điện đến kiểm tra, hỏng hóc nặng mới gọi nhà cung cấp đến sửa.

Hiện việc cấp phép hoạt động đối với điểm vui chơi thiếu nhi, nếu là hộ gia đình sẽ do UBND TP.Biên Hòa cấp, còn doanh nghiệp phải do Sở Kế hoạch - đầu tư cấp. Thế nhưng, các cơ quan cấp phép chỉ xem xét các khu vui chơi đủ điều kiện thì cho đi vào hoạt động, còn hậu kiểm thì không cơ quan quản lý nhà nước nào có trách nhiệm, ngay cả thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, cơ quan có chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh lao động cũng “chưa có kế hoạch kiểm tra những điểm vui chơi” như lời một cán bộ thanh tra sở này cho biết. Trong khi đó, tàu lượn siêu tốc, đu quay, máng trượt… thuộc danh mục máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt.

Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho biết phòng không có chức năng kiểm tra an toàn đối với các điểm vui chơi trong những công viên trên. Khi có phản ảnh của người dân mới đi xác minh, nếu thấy thiết bị vui chơi nào cũ kỹ, hư hỏng thì yêu cầu chủ kinh doanh loại bỏ để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. “Phụ huynh nên hạn chế cho con chơi những trò chơi tốc độ cao, cảm giác mạnh nếu không thấy tem kiểm định dán trên thiết bị hoặc những trò chơi máy móc có vẻ cũ kỹ, không an toàn” - ông Đồng khuyến cáo.

Uyên Uyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,597       819